Tài chính

Hơn 1.600 tỷ đồng của TVSI đang “mắc kẹt” tại SCB

Một chi nhánh Ngân hàng SCB.

Nội dung chính:

  • 1.609 tỷ đồng của TVSI (gồm tiền của khách hàng và của TVSI) không giao dịch được.
  • Quy mô tài sản của TVSI giảm 36% sau một năm.
  • Đến giữa tháng 8/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà TVSI chưa thực hiện mua lại là 18.000 tỷ đồng, trong đó 14.800 tỷ đồng đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán.

Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết công ty có khoản tiền 1.609 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng không giao dịch được. Trong năm 2022, TVSI đã có 3 công văn gửi các cơ quan chức năng để rút tiền từ SCB sang các tài khoản khác để giao dịch, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Số tiền “mắc kẹt” của Chứng khoán Tân Việt tại SCB chiếm phần lớn giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty cuối năm 2022 - ghi nhận 1.967 tỷ đồng. Như vậy, SCB chỉ có gần 360 tỷ đồng tiền đầy đủ tính thanh khoản vào cuối năm 2022.

Từ giữa tháng 12/2022, Chứng khoán Tân Việt đã phát đi thông báo về việc tài khoản chuyên dụng của công ty tại SCB bị đóng băng, đồng thời khuyến nghị khách hàng không nộp tiền vào tài khoản chuyên dụng tại SCB.

Trong năm 2022, đặc biệt là quý IV, chịu ảnh hưởng của sự kiện Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, hoạt động kinh doanh của TVSI bị thu hẹp, dẫn đến quy mô tài sản giảm 36%. Phần giảm chủ yếu là các khoản Chi phí trả trước ngắn hạn. Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, giá trị trái phiếu dài hạn (được ghi nhận như một khoản nợ) do chính công ty phát hành cũng giảm sâu.

TVSI không có thuyết minh chi tiết về các khoản tài sản và nợ thay đổi lớn trong năm 2022.

Kết quả năm 2022, TVSI lãi 148 tỷ đồng sau thuế, giảm 75% so với năm 2021. Kết quả kinh doanh sau kiểm toán của Chứng khoán Tân Việt cũng giảm quá nửa so với báo cáo công ty tự lập trước đó.

TVSI bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ 18/5/2023 đến 17/9/2023. Đồng thời, Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam cũng đình chỉ hoạt động mua bán chứng khoán của TVSI từ 27/6/2023 cho đến khi công ty được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

“Ôm” hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu các doanh nghiệp

TVSI được biết đến là “đại lý phát hành” trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của một loạt doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Nghiệp vụ của TVSI là thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và bán lại cho nhà đầu tư, cùng cam kết mua lại một phần lượng trái phiếu đó tại một thời điểm trong tương lai, với mức giá xác định.

Tuy nhiên, việc mua lại trái phiếu đã gặp phải khó khăn khi nguồn tiền của công ty bị nghẽn.

Tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính kiểm toán 2022 - tức ngày 18/8/2023, giá trị trái phiếu chưa thực hiện mua lại khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu đã đến hạn thanh toán là 14.800 tỷ đồng. TVSI đang đàm phán gia hạn thời hạn mua lại, hoặc hủy hợp đồng mua lại với nhà đầu tư.

Hoạt động mua/bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói trên được công ty ghi nhận như hoạt động tự doanh. Lượng trái phiếu chưa được mua lại theo cam kết vẫn thuộc quyền sở hữu và định đoạt của nhà đầu tư trái phiếu, do đó không được TVSI ghi nhận vào báo cáo tài chính của công ty.

Với lượng trái phiếu cam kết mua lại quá hạn tới 14.800 tỷ đồng, ngay cả khi toàn bộ số tiền của TVSI tại SCB được “giải phóng” - thì công ty cũng rất khó khăn để thực hiện cam kết với nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm