Sáng 22/4, tại khách sạn Majestic, quận 1, TP.HCM đã diễn ra Hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tổ chức. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm chào đón ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước 30/4.
Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, đại diện Ban tổ chức cho biết hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" được tổ chức với mục đích tìm kiếm các giải pháp để phát triển TP.HCM nhanh và hiệu quả hơn, nhằm phục vụ thiết thực cho sự phát triển đô thị của TP.HCM và các tỉnh thành Đông Nam bộ cũng như của cả nước.
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ gửi đến lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM 50 hơn 40 hiến kế đặc sắc của cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn"
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM đã trình bày đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045"; Ông Nguyễn Đỗ Dũng, tổng giám đốc Công ty EnCity (Singapore trình bày tham luận "Ý tưởng Phát triển sông Sài Gòn nhìn từ lịch sử, môi trường & kinh tế". Và tác giả Trần Quang Hiếu đại diện nhóm Librazzi trình bày ý tưởng hiến kế với nội dung: "Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị".
Trong phiên thảo luận mở, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và các khách mời đã sôi nổi đóng góp ý kiến về các vấn đề xung quanh câu chuyện: làm thế nào để vừa gìn giữ được giá trị di sản, vừa phát huy được tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng các doanh nghiệp mong chờ các hướng dẫn cụ thể và sẵn sàng tham gia để góp phần phát huy tinh thần, lợi thế sông Sài Gòn được hiệu quả nhất.
"Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các chuyên gia. Vấn đề quy hoạch phải có từ yếu tố làm sao phát huy được toàn bộ giá trị từ bờ sông đến cái lõi từ bên trong, tạo ra 1 sự hài hòa về mặt tiện ích. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất kỳ vọng với sự quan tâm của các cơ quan ban ngành của thành phố, sự đóng góp của các chuyên gia cũng như sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng ta sẽ có một lộ trình kế hoạch hành động cụ thể. Từ đó các doanh nghiệp tiếp xúc thông tin được đầy đủ, cùng chung tay với nhà nước để nâng tầm giá trị cảnh quan kinh tế xã hội cũng như bảo tồn được giá trị văn hóa lịch sử của sông Sài Gòn. Chúng ta có thể hy vọng trong 5-10 năm tới, sông Sài Gòn sẽ có một diện mạo khác hẳn so với ngày hôm nay." bà Thanh Hương bày tỏ.
Nhiều ý tưởng và giải pháp quy hoạch để phát huy tiềm năng sông Sài Gòn đã được thảo luận sôi nổi tại buổi hội thảo.
Cũng tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả đạt giải cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn". Chỉ trong hơn một tháng phát động cuộc thi, ban tổ chức đã nhận về hàng trăm bài dự thi là những ý tưởng, giải pháp của bạn đọc gửi về với mong muốn thay đổi hiện trạng đôi bờ sông Sài Gòn. Kết quả, ban tổ chức đã trao 8 giải cá nhân và 2 giải tập thể cho các ý tưởng phát triển sông Sài Gòn ấn tượng nhất.
Bạn Đào Nguyên Phong, sinh viên Khoa Quy hoạch - Đại học Kiến trúc TP.HCM, một trong những cá nhân đạt giải cuộc thi hiến kế với đề tài "Cầu đi bộ Bến Nhà Rồng" bày tỏ: "Khi biết tin Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi, mình cũng muốn đóng góp một cái gì đó vừa đáp ứng được tình yêu của mình dành cho bến cảng, vừa đáp ứng được nhu cầu đi dọc bờ sông, ngắm nhìn thành phố của người dân. Do đó, mình đã đề xuất ý tưởng làm cầu đi bộ với mong muốn làm cho thương hiệu Bến Nhà Rồng đẹp hơn, thuận tiện hơn. Tham gia cuộc thi hiến kế này giúp mình hiểu và yêu quý hơn những di tích lịch sử của thành phố".
Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân đạt giải cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn"
Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã tổng hợp và gửi đến lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM 50 hơn 40 hiến kế đặc sắc của cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" với mong muốn cung cấp cho các cơ quan quản lý thêm tư liệu, nguồn thông tin đa chiều để xây dựng đề án quy hoạch phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn được thực tiễn và hiệu quả hơn trong thời gian tới.