Xây dựng lối sống tiết kiệm rất quan trọng, bất kể bạn có mức lương cao hay thấp. Sau khi kết hôn, khi các gánh nặng tài chính đè lên vai càng lớn, nhiều cặp vợ chồng càng quyết tâm duy trì mục tiêu để dành tiền tiết kiệm hàng tháng, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch tương lai và phòng ngừa rủi ro.
Nỗ lực tiết kiệm của vợ chồng sống tại thành phố lớn
Thoa Trần (28 tuổi) hiện sinh sống và làm việc cùng chồng tại TP Hồ Chí Minh. Hàng tháng gia đình cô kiếm trung bình 30 triệu, tiết kiệm tối thiểu 15 triệu.
Như thế, họ dành một nửa tổng thu nhập, tức 15 triệu cho chi phí sinh hoạt. Số tiền này được họ phân bổ như sau: 20% thu nhập (6 triệu) cho tiền nhà; 20 thu nhập (6 triệu) cho tiền thực phẩm, khoản phí xăng xe và điện thoại; 10% thu nhập (3 triệu) dành cho chi phí phát sinh, chẳng hạn hiếu hỉ. Thoa Trần nói thêm, sở dĩ tiền mua thực phẩm rẻ do cặp đôi chủ yếu mua đồ dưới quê, còn thiếu món nào thì sẽ tự mua trên thành phố.
"Có 2 lý do vợ chồng mình muốn tiết kiệm nhiều như vậy. Thứ nhất, nhà mình hiện không có các khoản vay phải trả như vay mua nhà, bất động sản hay xe cộ nên mình gần như không có áp lực về mặt tài chính. Thứ hai, nhà mình hiện chỉ có 2 thành viên, chưa có em bé, và không cần phải chi tiền phụng dưỡng bố mẹ. Chúng mình muốn tích lũy được nhiều hơn để tương lai có thể mua nhà, và nhất là có 1 khoản tiền dự trù khi đón con đầu lòng", Thoa Trần nói.
Một trường hợp khác, Phương Anh (27 tuổi) đang sống cùng chồng tại Hà Nội. Trước khi kết hôn, vợ chồng cô được bố mẹ mua nhà, nhờ đó giảm gánh nặng kinh tế và hầu hết lương đều có thể dùng để tập trung xây dựng cho tương lai. Tuy nhiên, không phải vì có nhà sẵn mà họ lơ là chuyện tiết kiệm.
Hàng tháng, vợ chồng cô tiết kiệm trung bình 15% thu nhập. Bên cạnh đó, họ còn có những khoản chi tiêu cố định là 12-15 triệu/tháng. Chi phí sinh hoạt hàng tháng của cặp đôi như sau: 5 triệu cho thực phẩm; 2,5 triệu cho chi phí điện, nước, dịch vụ khi sống tại chung cư; 3-5 triệu cho quần áo, đồ đạc, giải trí; 1 triệu cho xăng xe; 2-3 triệu cho chi phí phát sinh.
Ngoài những khoản chi tiêu cố định, hàng tháng vợ chồng cô sắm dần dần các thiết bị điện tử trong nhà, được sắp xếp phân bổ theo nhu cầu và mức độ cần thiết. Tương tự Thoa Trần, vợ chồng Phương Anh cũng tiết kiệm được nhiều tiền thực phẩm do được gia đình hai bên gửi đồ sạch và rẻ từ dưới quê lên.
Vợ chồng Phương Anh nói về quan điểm tiết kiệm của gia đình: “Thu nhập của mình dùng để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Còn thu nhập của chồng sẽ để tiết kiệm và cho những khoản chi lớn chẳng hạn như mua sắm đồ dùng trong nhà. Thực ra áp lực kinh tế của nhà mình không nhiều. Hơn thế nữa, vợ chồng mình luôn có quan điểm là phải hài lòng với những thứ bản thân đang có vì cuộc sống không biết bao nhiêu là đủ. Tuy nhiên cũng không vì thế mà vợ chồng mình ngừng cố gắng. Tụi mình luôn luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ để có cuộc sống trọn vẹn hơn".
Nguyên tắc tiết kiệm của vợ chồng trẻ
Trong quá trình nỗ lực tiết kiệm, Phương Anh đã rút ra được một số điều mà mọi người nên chú ý để có thể tích lũy được nhiều tiền hơn:
- Lập ngân sách: Xây dựng kế hoạch ngân sách hàng tháng và tuân thủ nó. Ví dụ 50% dành cho các chi phí cố định (ăn uống, điện nước xăng xe, phí sinh hoạt), 30% cho các chi phí khác (hiếu hỉ, du lịch, mua sắm), 20% tiết kiệm.
- Tiết kiệm điện nước: Tắt đèn khi không sử dụng, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, tắt thiết bị điện khi không dùng.
- Mua sắm thông minh: Bạn nên so sánh giá và chất lượng trước khi mua hàng, đồng thời sử dụng các ưu đãi, giảm giá, hoặc thẻ thành viên để nhận được giá tốt hơn. Đối với những sản phẩm giá trị vừa phải (dưới 500 nghìn) và không độc quyền, Phương Anh thường nghiên cứu các cửa hàng khác nhau để so sánh về giá và chất lượng hoặc phương thức vận chuyển sao cho tối ưu chi phí nhất. Còn những sản phẩm giá trị cao hơn, cô sẽ xem xét kỹ hơn về nguồn gốc, chất lượng, bảo hành, uy tín của bên bán sau đó mới đến bước so sánh giá.
- Tự chuẩn bị thức ăn: Nấu ăn tại nhà sạch sẽ, an toàn hơn so với đi ăn ngoài. Đó cũng là điều kiện tốt để đảm bảo cho sức khỏe - một khoản tiết kiệm dài hạn, vô giá.
- Tìm các khoản chi tiêu không cần thiết: Phương Anh chia sẻ: “Ngày xưa, thời còn chưa lấy chồng mình luôn có thắc mắc là sao tiền cứ hết lúc nào không biết. Sau đó mình đã tìm ra lý do bằng cách sau khi chi tiêu gì là sẽ ghi chép lại, cuối tháng mình sẽ nhận ra trong tháng đã chi cho những khoản nào không cần thiết và có phương pháp, kế hoạch cho việc chi tiêu tháng tới”.
Còn về phía vợ chồng Thoa Trần, với mục tiêu tiết kiệm được ít nhất 50% thu nhập, họ thường hay áp dụng những mẹo sau:
- Lựa chọn chọn các thiết bị điện cho gia đình có nhãn năng lượng cao nhất giúp tiết kiệm khoản điện tiêu thụ: Thoa Trần chia sẻ rằng điều này nhiều nhà không để ý từ lúc mua ban đầu, tới khi đi vào sử dụng lại đau đầu vì hóa đơn tiền điện quá cao.
- Luôn nấu ăn ở nhà nhiều nhất có thể: Thông thường, Thoa Trần sẽ nấu cơm vào buổi tối, và nấu luôn cả đồ ăn sáng nếu hôm đó các món mất nhiều thời gian để nấu như: nước phở để ăn miến, bún. Các bữa sáng cũng sẽ có món đơn giản như: bánh mì kẹp trứng ốp la, hoặc phần cơm từ tối qua vẫn còn. Cả hai vợ chồng không có thói quen lê la hẹn hò ăn vặt, hàng quán, trà sữa. Thay vào đó, cô làm mọi thứ ở nhà như nước ép, sinh tố, làm bánh, nấu sữa tại nhà.
- Lựa chọn nhà thuê với mức chi phí phù hợp với ngân sách và gần công ty nhất có thể giúp tiết kiệm tiền xăng xe và thời gian đi lại.