Ngày 21/2, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.
Danh sách gồm 54 doanh nghiệp đã công bố thông tin bất thường hoặc báo cáo theo yêu cầu có nội dung chậm trả lãi cho trái chủ. Trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như nhóm của Trungnam Group gồm CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, CTCP Điện mặt trời Trung Nam, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.
Những doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu còn có nhóm liên quan đến Vạn Thịnh Phát như CTCP Đầu tư Quang Thuận, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Sunny World.
Một số công ty được nêu tên đang niêm yết trên sàn chứng khoán như như là BCG Energy thuộc Bamboo Capital (Mã: BCG), Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC), CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Mã: SCR), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland - Mã: NVL), Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN), CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An và Đất Xanh Miền Nam của Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG), Đầu tư LDG (Mã: LDG), DRH Holdings (Mã: DRH), VKC Holdings (Mã: VKC), Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM), Anh Ngữ Apax của Apax Holdings (Mã: IBC), Hưng Thắng Lợi Gia Lai của HAGL (Mã: HAG),...
Ngoài ra theo công bố trên trang HNX, từ đầu tháng 2/2023 đến ngày 21/2 cũng có 10 doanh nghiệp công bố chậm trả lãi, gốc trái phiếu đến hạn, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Novaland, BCG Energy, Angimex còn có Bất động sản Gia Phú, Công ty TNHH Đâu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star,...
Báo cáo thị trường trái phiếu gần nhất của Chứng khoán VNDirect cho thấy, năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn ở mức 251.849 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm trước.
So với quý IV/2022, giá trị TPDN đáo hạn ở quý I/2023 ước tính giảm 41,3%, đạt 31.241 tỷ đồng (gấp 3,5 lần quý I/2022). Nhưng, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh ở quý II và quý III, lần lượt đạt 76.572 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và 83.127 tỷ đồng, gấp 2,2 lần. Đến quý IV/2023, áp lực sẽ hạ nhiệt hơn, xuống còn 60.908 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Xét theo cơ cấu, bất động sản là nhóm có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 với 107.752 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng giá trị đáo hạn và tăng 76,2% so với năm trước.
Ở diễn biến khác, mới đây Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ về việc ban hành, sửa đổi và ngưng thực thi một số quy định của Nghị định 65 về thị trường trái phiếu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài, thay đổi kỳ hạn của trái phiếu và có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán bằng tài sản khác khi được sự đồng ý của trái chủ. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn về dòng tiền.