Tại tọa đàm Ngành y vượt khó, sáng 23/2, tại Hà Nội, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức nói về những khó khăn của các cơ sở y tế hiện nay, trong đó có vấn đề thiếu vật tư y tế,.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, hiện tại không chỉ BV Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như BV Bạch Mai, BV K ở ngoài Bắc, BV Chợ Rẫy ở TP HCM gặp nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh. Đơn cử, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.
"Tại BV Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường", ông nói và cho biết BV Việt Đức đã họp rất nhiều lần, để tháo gỡ nhưng rất khó khăn.
Thông tin thêm, ông Giang cho hay đó là những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại Bệnh viện làm. Kể từ năm 2015, BV Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm rất khó khăn. Riêng máy móc xét nghiệm tại BV Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng.
Về giải pháp, từ năm 2015, Việt Nam đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác.
Thế nhưng, theo Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, đến năm 2022 chúng ta lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn.
"Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ chúng ta không còn hóa chất để làm", ông nói.
Về câu hỏi tiếp theo đặt ra là tại sao các giám đốc bệnh viện không tìm phương án khác để xử lý việc này, ông cho biết đã có những phương án đặt ra như sau.
Phương án thứ nhất là mua máy để làm. Thời gian để mua được một cái máy, đấu thầu theo quy trình cũng phải mất 6 tháng và Bệnh viện không có tiền. Tuy nhiên ngay cả khi chấp nhận có thể vay tiền để mua máy và chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì, trả thêm tiền hệ thống phần mềm, thì cũng không thể làm theo phương án này.
Nguyên nhân được ông Giang đưa ra là một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của nó, chỉ có hóa chất của hãng đấy mới sử dụng cho máy đấy được. Khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy, sẽ rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật, không thể làm theo phương án ấy được.
Phương án thứ hai là thuê máy cũng y như phương án trước vì hóa chất cũng đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được và chúng ta lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất.
Phương án thứ ba mà ông Giang đề cập đến là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này.
"Như vậy cả 3 phương án đều tắc. Tôi biết rằng đã có nhiều bệnh viện thông báo đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện trong vòng một tuần nữa, bệnh viện sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. BV Việt Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng đó.
Chính vì vậy, đây là việc cấp cứu của cấp cứu, rất mong nhận được sự xử lý của các cấp lãnh đạo từ Bộ Y tế tới Chính phủ để tháo gỡ sớm. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa, nếu như chúng ta không tháo gỡ thì các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được", ông nói.
Vấn đề thứ hai là các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ. Theo thống kê của BV Việt Đức, cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết.
Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên chúng ta không thể mua được dù chúng ta đấu thầu hay mua.
Ông cho hay rất mừng vừa rồi chúng ta đã tháo gỡ được vấn đề giấy phép lưu hành cũng như giấy phép về hoạt động các loại thuốc. Nhưng đối với vật tư tiêu hao, đến nay vẫn chưa xử lý được. Đây là một vấn đề cấp cứu cần phải xử lý.
Ngoài ra, ông còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc theo Hiệp định CPTPP, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện,… hiện không biết cách nào xử lý để các bệnh viện có thể hoạt động được.