Thành quả lớn nhất của cha mẹ là thành công trong việc giáo dục con cái nên người. Nhiều cha mẹ cũng chính vì quá yêu thương, mong con mình lớn lên có một tương lai đầy hứa hẹn nên thường nảy sinh tâm lý bảo bọc, cho con mình những điều tốt nhất.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng của trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) không đồng tình với quan điểm này. Trong một bài phát biểu về giáo dục con cái, ông nêu lên quan điểm rằng nhiều bậc cha mẹ nên để con cái tự lập thay vì luôn bao bọc con mình trước mọi việc, điều này dẫn đến việc con trẻ có thói quen ỷ lại.
Hiệu trưởng của ngôi trường danh giá bậc nhất khu vực Châu Á cũng cho rằng trên thực tế, sự nuông chiều của cha mẹ đôi khi là nguyên nhân chính khiến con cái họ lớn lên khó đạt được sự thành công nhất định. Theo ông, cha mẹ nên biết "buông" con ở những thời điểm thích hợp và "lười" ở 3 điểm này để giúp con thành rồng, thành phượng trong tương lai:
1. ''Lười'' học thay con : Để tạo cơ hội cho trẻ phát triển
Trẻ em hiện nay thường được giao rất nhiều bài tập về nhà. Với một lượng bài vở lớn như vậy, có nhiều bố mẹ sẽ giúp con làm bài để giảm tải áp lực cho trẻ. Tuy nhiên, thay gì giúp con học một cách "tỉ mỉ", cha mẹ nên để trẻ tự làm bài và chỉ hỗ trợ nếu trẻ cần chỉ dẫn. Bởi khi trẻ mới chỉ gặp một chút khó khăn đã được nhận sự giúp đỡ sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ. Hãy để trẻ tự trải nghiệm đúng và sai, thất bại và thành công.
Mỗi đứa trẻ đều cần những "bậc thang" trong học tập để có thể tiến bộ. Chỉ khi chinh phục được một mục tiêu và tích lũy được những thành công nhỏ thì mới có thể tạo thành một sự tiến bộ đáng kể. Hãy để con của bạn tự khai phá bản thân thay vì làm điều đó giúp con mình.
2. ''Lười'' đưa đón, giúp trẻ mọi lúc, mọi nơi: Để trẻ học tính tự lập
Cha mẹ hãy để con học được tính tự lập bằng việc để trẻ tự giác làm một số việc đơn giản hằng ngày. Đây chính là bước đầu tiên để giúp trẻ phát triển. Tuy rằng cha mẹ nào cũng sẽ lo lắng rằng con còn nhỏ chưa biết gì, nhưng nếu cha mẹ có thể vượt qua rào cản này và "buông" con đúng lúc thì sẽ thực sự nuôi dưỡng sự tự chủ và độc lập của đứa trẻ.
Phụ huynh không nên giúp con làm mọi thứ, điều này sẽ tốt hơn cho trẻ. Sáng sớm hãy để trẻ tự dậy đúng giờ, để trẻ tự đi học và học cách tự mặc quần áo, buộc dây giày, sắp xếp ba lô để đi học. Tất nhiên, người lớn có thể làm mấy việc đó nhanh, khéo léo hơn, thế nhưng nếu cứ giúp trẻ làm mọi thứ sẽ gián tiếp hình thành nên sức ì và tính phụ thuộc của con trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy can đảm "buông" con đúng lúc và nên kiên nhẫn chờ con tự tìm ra phương pháp. Hãy để con lựa chọn, dạy con tự kiểm soát và tự giác.
Thay vì giúp con mọi thứ, hãy để trẻ tự trải nghiệm việc dậy không đúng giờ và đến lớp muộn. Như thế, bé sẽ hiểu tầm quan trọng của việc đi ngủ sớm vào buổi tối để đảm bảo rằng mình sẽ thức dậy đúng giờ vào ngày hôm sau. Đồng thời, trẻ sẽ biết cách tự sắp xếp thời gian của mình một cách hợp lý hơn.
3. ''Lười'' cằn nhằn: Để trẻ hoàn thành nhiệm vụ một cách có ý thức
Có một số bậc cha mẹ thấy con mình luôn mải mê chơi mà thờ ơ việc học và rồi họ không ngừng cằn nhằn con mình về điều đó.
Có một hiệu ứng nổi tiếng trong tâm lý học được gọi là "hiệu ứng vượt quá giới hạn". Có nghĩa là khi bị ''kích thích'' từ bên ngoài quá nhiều hoặc bị tác động trong thời gian dài sẽ khiến người ta mất kiên nhẫn, thậm chí nổi loạn. Thực ra, việc cha mẹ thường nhắc đi nhắc lại một vấn đề hoặc hay cằn nhằn với trẻ là muốn trẻ ghi nhớ việc nên làm. Tuy nhiên, cách giáo dục này không có tác dụng hiệu quả, hơn nữa còn làm con bạn không thoải mái với việc học bài.
Thay vì cằn nhằn mãi về một việc, bạn hãy để con bạn quyết định khi nào nên ngừng chơi và bắt đầu học. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên thay đổi cách nhắc nhở con. Đừng sử dụng những từ ngữ nặng nề và hãy cho trẻ tự quyết định việc học của mình.
Ví dụ, khi con bạn chơi game quên việc học, thay vì lớn tiếng bắt con đi học ngay thì phụ huynh nên hỏi trẻ bao giờ con học bài. Lúc này, trẻ sẽ đưa ra một khoảng thời gian và bạn có thể đồng ý hoặc thay đổi thời gian theo ý muốn của trẻ. Tới khi đến thời gian học mà trẻ không nhớ, bạn có thể khéo léo nhắc nhở. Lúc đó, trẻ sẽ tự động ngừng chơi và chủ động đi học bài một cách thoải mái hơn vì đó là sự lựa chọn của trẻ.
(Theo Zhihu)