Kỹ năng sống

Người Việt Nam trẻ nhất đạt IELTS 9.0: "Em không ôn luyện ở trung tâm nào cả"

Cả ba kỹ năng nghe (listening), đọc (reading) và nói (speaking) Quý Anh đều đạt điểm tuyệt đối 9.0; kỹ năng viết (writing) bạn đạt 8.0. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ , chàng trai 17 tuổi chia sẻ thoải mái, cởi mở để lan tỏa động lực học tiếng Anh.

Nếu điều kiện cho phép, em nghĩ các gia đình nên cho con tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, phổ biến nhất là qua các lớp học ở trung tâm. Với em, việc được thường xuyên ở trong một môi trường sử dụng tiếng Anh với người bản ngữ hoặc với người có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh tự nhiên và thành thạo là một thuận lợi lớn

Tự tin với bản thân

* Cảm xúc của bạn như thế nào khi nhận kết quả IELTS 9.0 trong lần thi đầu tiên?

- Lúc đi thi chứng chỉ IELTS em xác định chứng chỉ này chỉ đơn giản là một trong những điều kiện để làm hồ sơ đi du học, bởi vậy em không dành nhiều thời gian chuẩn bị cho bài thi.

Trước khi thi em không ôn luyện ở một trung tâm nào cả bởi em tự tin bản thân đã có quá trình lâu dài tiếp xúc với tiếng Anh và áp dụng vào học tập cũng như công việc.

Em nghĩ kết quả sẽ không dưới 8.0, tuy nhiên khi nhận điểm tuyệt đối 9.0 cả ba kỹ năng listening, reading và speaking thì em cũng hơi bất ngờ và có một chút vui mừng.

* Mỗi người có những phương pháp học khác nhau, Quý Anh chọn học tiếng Anh theo cách nào?

- Với tiếng Anh cá nhân em thì không gọi là học, bởi em không phải là người chủ động tìm cách học ngôn ngữ này, cũng giống như ít ai ở Việt Nam chủ động học tiếng Việt. Em có may mắn được bố mẹ cho tiếp xúc với tiếng Anh từ khá sớm, tầm 3-4 tuổi, ở các lớp ngoại khóa.

Ngoài ra, từ giai đoạn rất sớm này em đã được tiếp xúc với máy tính, và việc sử dụng máy tính cũng như sử dụng các chương trình giúp em tiếp thu tiếng Anh một cách tự nhiên, bởi quá trình này diễn ra song song với quá trình phát triển tư duy của em.

Em học được các từ vựng và khái niệm trong tiếng Anh qua việc mày mò tìm hiểu các nút bấm, các dòng chữ trong giao diện máy tính và các lời thoại, câu nói của các nhân vật trong các trò chơi.

Việc tham gia các lớp ngoại khóa và liên tục sử dụng máy tính cho nhiều mục đích khác nhau đã diễn ra từ lúc em 3 tuổi đến hết lớp 7, và với em giai đoạn này em được phát triển khả năng tiếng Anh của mình nhiều nhất.

Giai đoạn duy nhất em học tiếng Anh theo kiểu truyền thống "cày cuốc", ghi nhớ chay là vào năm lớp 9 khi em ôn thi chuyên Anh. Lên cấp III thì em nhận thấy khả năng sử dụng tiếng Anh của mình đã thành thạo như người bản ngữ nên em không đi học thêm ở đâu cả.

Không hiểu sao từ bé đến lớn các giáo viên dạy tiếng Anh đều nói em có giọng nói giống người Anh, và đây có lẽ cũng là một điều em may mắn có được cùng với việc được tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm dù hoàn toàn sinh sống ở Việt Nam.

Tiếng Anh là công cụ

* Có một số ý kiến cho rằng học tiếng Anh không cần tư chất mà cần sự siêng năng. Với quá trình tiếp xúc tiếng Anh của bản thân bạn nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Theo em thì tư chất mỗi người đều khác nhau và trong mọi lĩnh vực đều có người học nhanh hoặc chậm hơn. Bản thân em thấy điều này không quá quan trọng, bởi ngôn ngữ không phải một lĩnh vực quá phức tạp đòi hỏi tư chất hơn người.

Chúng ta không cần phải tìm cách để nói tiếng Anh ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên trong cuộc sống khi công việc hay học tập đòi hỏi sử dụng tiếng Anh thì em nghĩ mọi người không nên bỏ lỡ những cơ hội đó.

Ví dụ, ở trường các bạn học sinh có thể được giao bài thuyết trình, hãy thử tìm hiểu về chủ đề được giao qua việc đọc nhiều các tài liệu chuyên sâu trong tiếng Anh chứ không chỉ Google tiếng Việt.

Hoặc kể cả với việc giải trí, hãy thử tham gia thật nhiều cộng đồng mạng hay kênh YouTube sử dụng tiếng Anh để bàn luận về những chủ đề mà mình quan tâm chứ không chỉ theo dõi các trang mạng tiếng Việt.

* Dự định đi du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT, để thực hiện được mục tiêu này thì việc ôn luyện, chuẩn bị của bạn như thế nào?

- Lựa chọn đi du học của em xuất phát từ mong muốn học hỏi những kiến thức mới mẻ ở các nước phát triển nhất để áp dụng vào Việt Nam.

Những gì các trường trong nước dạy thì chắc chắn đã có người áp dụng rồi, nên em nghĩ việc đi du học sẽ cho mình nhiều tiềm năng phát triển hơn. Khi đã xác định đi du học, từ năm lớp 10 em bắt đầu thay đổi lịch trình sinh hoạt, chuẩn bị các điều kiện xét du học.

Thời gian học tập và làm việc của em không cố định và thay đổi thường xuyên nhưng gần như hoàn toàn về đêm. Ngày mới của em bắt đầu vào 6h chiều khi em ngủ dậy. Em thường xuống phòng gym tập thể dục tầm 1-2 tiếng rồi về nhà ăn tối và làm việc qua đêm.

Thường em sẽ làm việc đến khoảng 3-4h sáng rồi ngủ 1-2 giờ trước khi thức dậy lúc 6h để ăn sáng và đến trường. Cũng có những hôm bận hơn thì em sẽ làm việc luôn đến sáng và không ngủ. Sau 12h trưa em sẽ ngủ hết buổi chiều đến 6h tối, và chu kỳ lặp lại.

Em chọn làm việc qua đêm bởi đây là khoảng thời gian em có thể tập trung và tỉnh táo xử lý công việc của mình mà không bị tác động từ bên ngoài hay mọi người xung quanh.

* Được biết khi đi du học bạn sẽ học song song hai ngành khoa học máy tính và khoa học chính trị. Bạn có thể chia sẻ lý do tại sao lại có lựa chọn này và những dự định trong tương lai?

- Em có một mong muốn rất lớn là giúp hiện đại hóa đất nước và giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống của mọi người.

Em không phải là người mà sẽ thụ động chờ đợi thay đổi tích cực đến từ nhà nước hay thị trường, mà em muốn là người trực tiếp đứng ra giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đối mặt.

Ví dụ, khi thấy tắc đường thì em có mong muốn sử dụng công nghệ để xây dựng một hệ thống đường tàu cao tốc 300-400km/h xuyên suốt đất nước từ Bắc vào Nam giúp mọi người có thể nhanh chóng và thuận tiện di chuyển trong công việc và cuộc sống.

Để làm được điều này thì kiến thức về mặt kỹ thuật là chưa đủ mà còn phải có một số quyền lực chính trị nhất định.

Hoàn thành full marathon

Người Việt Nam trẻ nhất đạt IELTS 9.0: Em không ôn luyện ở trung tâm nào cả - Ảnh 1.

Nguyễn Quý Anh trên đường chạy marathon - Ảnh: NVCC


Khi gặp những vấn đề căng thẳng, em thường đi bộ ngoài đường một cách vô định để giải tỏa. Những lúc này cũng là lúc em thường suy nghĩ về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, triết học...

Chính việc đi bộ này đã giúp em cải thiện sức khỏe rất nhiều và cho em sức bền để có thể chạy đường dài. Em đã từng tập taekwondo, kickboxing và tennis trước khi chuyển qua chạy marathon.

Năm lớp 8 em đã tham gia giải chạy 10km và lớp 9 em đã chạy được half-marathon 21km. Gần đây nhất ngày 16-10, em đã hoàn thành đường chạy full-marathon 42km.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm