Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng tốt
Tại tọa đàm "Doanh nghiệp FMCG phục hồi kinh tế, bứt phá sau đại dịch Covid-19" trên VnExpress, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có ý nghĩa quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào. Ngành FMCG của Việt Nam hiện là một trong số những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN.
Theo ông Bình, đặc thù của ngành là sản phẩm thường có vòng đời ngắn, giá trị trên từng đơn vị sản phẩm nhỏ nhưng tỷ lệ tiêu thụ lớn. Hệ thống phân phối của ngành hàng cũng có đặc thù, cách tổ chức khác nhau để đáp ứng đặc tính riêng.
"Lợi nhuận biên của sản phẩm ngành này thấp nhưng vì khách hàng mua đi mua lại nhiều nên tổng khối lượng được bán ra lớn. Do đó, lợi nhuận tích lũy của ngành hàng này khá đáng kể. Chỉ số này cũng sẽ gia tăng khi tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện", TS Lê Duy Bình chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, do cung cấp mặt hàng thiết yếu nên ngành hàng tiêu dùng nhanh ít bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của thị trường cũng như các yếu tố bên ngoài, và đứng tương đối vững trong đại dịch.
Đồng tình với ý kiến của TS Lê Duy Bình, ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, trong mùa dịch doanh số mặt hàng dầu ăn vẫn tăng 30%. Doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất liên tục để đảm bảo cung ứng, đưa mặt hàng tới được tất cả các tỉnh thành, hạn chế những ảnh hưởng về biến động giá. Đơn vị này cũng kích hoạt chiến lược bảo vệ sức khỏe của công nhân để đảm bảo sản xuất được duy trì.
Thích ứng linh hoạt với biến động
Tại tọa đàm, TS Lê Duy Bình cũng chỉ ra một số thách thức đối với các doanh nghiệp trong ngành FMCG. Theo ông, ngành hàng này đòi hỏi những nhà sản xuất phải luôn tự đổi mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Thứ nữa, việc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp và hiệu quả. Đối với từng mặt hàng phải có kênh phân phối riêng. Đây cũng là ngành hàng có tính cạnh tranh lớn, không chỉ giữa doanh nhiệp trong nước với nhau mà còn cạnh tranh với mặt hàng từ nhà nhập khẩu, thị trường nước ngoài.
Ở Việt Nam còn nhiều kênh phân phối truyền thống. So với các quốc gia phát triển hơn, chất lượng sản phẩm của hàng hóa đôi khi còn chưa đảm bảo chất lượng. Ông cho rằng, những điểm này cần được khắc phục để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Cũng theo ông Bình, với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng về hàng hóa sẽ thay đổi, đòi hỏi sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Nhận thức, ý thức của người tiêu dùng cũng được cải thiện, theo xu hướng quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong sản phẩm, từ đó đòi hỏi những mặt hàng thân thiện môi trường, có tiêu chuẩn về mặt sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm muốn tiêu thụ tốt cũng cần gắn với các xu thế của người tiêu dùng.
Là người điều hành doanh nghiệp, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng, thách thức lớn nhất của công ty là nhân sự.
"Người lao động khi trở về quê thường không có xu hướng quay lại làm việc, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực. Do đó, doanh nghiệp phải tìm cách tinh gọn bộ máy, tối đa tự động hóa để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân công. Tất nhiên để làm được điều này thì chi phí bỏ ra cũng là vấn đề", đại diện Kido lý giải.
Ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Nam - Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp tài chính khách hàng VietinBank, cho biết, đối với các doanh nghiệp FMCG, phương án quản trị rất quan trọng để giúp doanh nghiệp ổn định, từ tài chính đến nhân sự cũng như kiểm soát công nợ, hàng tồn kho... Đặc biệt, khi Covid-19 xảy ra, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc quản trị đầu vào, đầu ra để đảm bảo luồng hàng thông suốt. Thêm vào đó, ngành FMCG có vòng đời sản phẩm nhanh, tiêu thụ nhanh, tính luân chuyển khối lượng lớn nên cần quản trị nhịp nhàng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
"Vấn đề vốn cũng là thách thức với nhiều doanh nghiệp FMCG. VietinBank hiện không chỉ tài trợ riêng cho doanh nghiệp sản xuất mà còn cho chuỗi cung ứng. Chúng tôi ưu tiên thiết kế các chương trình tín dụng có tính cạnh tranh về quy mô vốn vay và lãi suất", ông Trần Hoài Nam chia sẻ.
Bàn về vấn đề vốn cho doanh nghiệp FMCG, ông Lê Duy Bình cho biết, quy mô thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam có thể đạt 360 tỷ USD vào năm 2030, tương đương doanh số vào khoảng 1 tỷ USD một ngày. Để tài trợ cho thị trường lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy cần nguồn vốn lớn.
"Nhu cầu vốn không chỉ cho nhà sản xuất mà cho tất cả các tác nhân khác nhau trong chuỗi sản xuất đó, cho những kênh phân phối, siêu thị, chuỗi bán lẻ, tài trợ tín dụng cho người tiêu dùng... Đây là cơ hội cho ngành hàng ngân hàng, thị trường tài chính để hợp tác và phát triển các sản phẩm phù hợp", ông Bình cho biết.
Doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh cần nhìn dài hạn
Dẫn báo cáo của Tổng cục thống kê, TS Lê Duy Bình cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đạt khoảng 180 tỷ USD năm 2021, phần lớn trong đó là hàng tiêu dùng nhanh. Tốc độ tăng trưởng suốt một thập kỷ qua là 10-12%, riêng 2 năm đại dịch vào khoảng 6%. Với tốc độ tăng trưởng 8 tháng đầu năm 2022 là 19%, ngành hàng này đã phục hồi mạnh. Ông kỳ vọng tốc độ tăng trưởng 10-12% sẽ tiếp tục duy trì 5-10 năm nữa.
"Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, là thị trường lớn cho các doanh nghiệp FMCG cùng các tác nhân trong ngành này. Để chiếm lĩnh và giữ vững vị trí trong thị trường, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn, nhất là với sự mở cửa của nền kinh tế sẽ tăng áp lực cạnh tranh lớn với nhà sản xuất và kênh phân phối", ông Bình cho biết.
Theo đó, doanh nghiệp cần thay đổi quá trình tổ chức, sản xuất, quản trị, lưu thông hàng hóa, tìm kiếm nguồn cung theo hướng an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, họ cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số để tiết giảm chi phí sản xuất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để nắm bắt được xu thế, thị hiếu của người tiêu dùng.
Về vấn đề này, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, tại Kido, doanh nghiệp xây dựng hệ thống cứ 200 km có một kho, trạm trung chuyển trong ngày. Mỗi miền đều có nhà máy để giảm chi phí trung chuyển. Ngoài ra, lợi nhuận của các mặt hàng tiêu dùng nhanh khá thấp nên doanh nghiệp phải thay đổi sao cho tối giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Ở Kido, chính là giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Theo đó, đơn vị đã tiết kiệm từ khâu sản xuất đến phân phối để hạn chế biến động giá. Doanh nghiệp này cũng dự tính sẽ thêm các kênh phân phối bên cạnh tạp hóa (chiếm 85%), siêu thị (chiếm 10%)...
Đại diện Kido cũng cho biết, việc kích hoạt công nghệ 4.0, kiểm soát các khâu trong quá trình sản xuất đến tay người tiêu dùng là điều cần thiết với các doanh nghiệp FMCG.
Đối với thách thức về vốn, ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Nam cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ trong chuỗi cung ứng đều có nhu cầu vốn. VietinBank đã có chuyển dịch mạnh mẽ trước những thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp FMCG. Theo đó, nhà băng này đã cung cấp nền tảng giúp doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu cũng có thể giao dịch các dịch vụ tài chính như chuyển tiền, thanh toán bảo lãnh...
Nhà băng này cũng có các gói, giải pháp thanh toán online qua nhiều kênh để tiết giảm chi phí, từ đó, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian để luân chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng.