Sau khi lập đỉnh vào tháng 9/2021, giá cước vận tải biển bắt đầu điều chỉnh, giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang những tháng đầu năm nay.
Kinh tế toàn cầu ảm đạm, sức tiêu dùng suy giảm gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vận tải biển. Theo giá trị ước tính xuất – nhập khẩu hàng hóa thông qua container đường biển 5 tháng đầu năm nay ở Việt Nam lần lượt đạt 77 tỷ USD (giảm 9% so với cùng kỳ) và 51 tỷ USD (giảm 22% so với cùng kỳ).
Nhìn vào bức tranh ngành cảng biển 6 tháng đầu năm 2023, có 8/13 đơn vị có doanh thu sụt giảm, 6/13 doanh nghiệp có lợi nhuận "đi xuống".
Báo cáo quý II/2023 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN) cho thấy doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều “đi xuống” trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá thấp và tình trạng dư cung tàu vẫn tiếp diễn.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh đã dự báo về tình hình kinh doanh không mấy khả quan của ngành cảng biển khi cho rằng “2023 là một năm rất khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, để có lãi đã là tốt”. Nguyên nhân là do thị trường cảng biển ngày càng cạnh tranh khốc liệt khi lượng container về ít trong khi các cảng, dịch vụ về cảng xuất hiện ngày càng nhiều.
VIMC - “anh cả” trong ngành vận tải biển Việt Nam khi sở hữu 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 19 công ty con, 41 công ty liên doanh liên kết. Các đơn vị này đều hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải, cho thuê mặt bằng, bốc xếp.
Trong các doanh nghiệp vận hành, khai thác cảng biển, CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) là đơn vị hiếm hoi tăng trưởng về doanh thu nhưng lợi nhuận lại “đi xuống” do chi phí tài chính tăng đột biến.
Doanh nghiệp tăng vay nợ gấp đôi so với đầu năm nhằm phục vụ việc mua cảng Nam Hải Đình Vũ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Đằng sau thương vụ mua lại Cảng Nam Hải Đình Vũ 14/06/2023 - 20:00
Sau quá trình thâu tóm, Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất 2,6 triệu TEU/năm, tăng 36% so với năm ngoái và chiếm 24% thị phần.
Ở chiều ngược lại, dư địa tăng trưởng của Gemadept tại khu vực Hải Phòng sẽ không còn nhiều, thị phần của công ty sẽ giảm 3 điểm % về mức 14% với tổng công suất còn 1,2 triệu TEU/năm.
Nhờ bán cảng Nam Hải Đình Vũ, CTCP Gemadept (Mã: GMD) ghi nhận 1.711 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 5 lần cùng kỳ và là mức cao nhất lịch sử.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Tổng Giám đốc Gemadept dự báo “từ chỉ tiêu kế hoạch cộng với lợi nhuận từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ thì lợi nhuận hợp nhất năm nay của công ty kỳ vọng đạt hơn 3.100 tỷ đồng".
Theo ông Bình, việc thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ và tập trung vào cảng Nam Đình Vũ nằm trong kế hoạch tối ưu hoá quy mô của Gemadept để giảm chi phí trên từng đơn vị (unit cost), tối ưu hoá hệ sinh thái và năm nay, xu hướng giá dịch vụ ở Hải Phòng đang tăng. Vì theo nhận định của công ty, ngành cảng biển sẽ còn khó khăn đến quý III, nếu tình hình xấu hơn thì phải đến cuối năm nay và sang đầu năm 2024 mới có dấu hiệu phục hồi.
“Bóng tối” bao trùm doanh nghiệp vận tải biển
Với CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH), đơn vị đang trải qua giai đoạn khó khăn chung của toàn ngành hàng hải khi nhu cầu giao thương hàng hóa ảm đạm. Cụ thể, HAH ghi nhận doanh thu thuần 611 tỷ đồng giảm 34%, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng giảm 75% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi thấp nhất của doanh nghiệp kể từ quý II/2021.
Theo HAH, kết quả kinh doanh sụt giảm là do sản lượng, doanh thu khai thác cảng giảm trong thời gian nâng cấp, sửa chữa mặt bãi. Sản lượng hàng vận chuyển và giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí cho đội tàu tăng do thêm tàu HA Rose dẫn đến lợi nhuận hoạt động khai thác tàu giảm. Ngoài ra, HAH còn lỗ từ liên doanh Zim Hải An do mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3.
Tương tự HAH, hai doanh nghiệp vận tải biển là CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) và CTCP Vận tải Biển Vinaship (Mã: VNA) cũng chứng kiến mức lợi nhuận "khiêm tốn" trong quý II.
Tại Hội nghị sơ kết và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết diễn biến thị trường tàu hàng khô trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường tàu hàng khô trong năm 2023 sẽ đạt mức 1,5 - 2,5%. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, số lượng tàu hàng khô đóng mới được giao ở mức cao, cũng vẫn tác động mạnh lên nguồn cung tàu và giá giao ngay sẽ khó có thể tăng trưởng lên mức cao như hồi 2022.