"Quá chán nản với game, bán token chẳng được mấy đồng mà để thì càng ngày càng thấy giá đi xuống, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ phục hồi", Tuấn Anh, một người chơi Axie Infinity tại TP HCM, nói. Từ đỉnh 0,36 USD vào tháng 5/2021, mỗi đồng SLP trong game giờ chỉ còn 0,004 USD
"Tôi đã bỏ game được hai tháng. Vẫn còn một ít SLP trong ví, giờ nên bán rẻ hay đợi token lên rồi bán", một người đặt câu hỏi nhóm kín của cộng đồng Axie Infinity. Dưới phần bình luận, một số người cho biết cũng đã xóa game từ vài tháng trước nhưng vẫn còn giữ hàng trăm nghìn token SLP chưa bán vì tiếc.
Làn sóng bỏ Axie Infinity đang diễn ra ở nhiều nơi. Thống kê của Activeplayer cho thấy game blockchain từng gây bão năm ngoái hiện chỉ còn 700.000 người chơi mỗi tháng. Trong khi vào thời đỉnh cao cuối năm ngoái, mỗi tháng game có khoảng 2,7 triệu người tham gia thường xuyên.
StepN, game chạy bộ kiếm tiền từng nổi đầu năm nay, cũng nhanh chóng chịu chung số phận. Thống kê từ Dune Analytics cho thấy từ hơn 700.000 người hoạt động hàng tháng vào tháng 5, hiện StepN chỉ còn khoảng 170.000 người dùng thường xuyên. Một trong những nguyên nhân khiến người chơi không còn mặn mà với ứng dụng là vì giá token GMT của dự án giảm mạnh từ 4,1 USD xuống còn 0,9 USD.
Huy Hậu, từng tham gia sớm vào trào lưu chơi để kiếm tiền (P2E) và chạy bộ kiếm tiền (M2E), cho biết: "Đã hết thời chơi game kiếm tiền. Mùa đông tiền số đang càn quét khắp thị trường, những dự án lớn thì sống cầm chừng, nhiều dự án nhỏ biến mất cùng với khoản đầu tư của người chơi khiến mọi người không còn mặn mà với GameFi".
Thống kê của Arcane Research công bố trong tháng 7 cho thấy số lượng người dùng hàng tháng của loạt GameFi nổi tiếng như Axie Infinity, The Sandbox, Decentraland... đã giảm 96% so với mức đỉnh vào tháng 11/2021. Các quỹ đầu tư vào lĩnh vực GameFi giảm 57,7% so với tháng trước.
Trong khi đó, theo báo cáo của Chainplay vào tháng 6, 89% nhà đầu tư vào tiền điện tử cho biết lợi nhận từ GameFi của họ đang bị giảm sâu. Trong vòng nửa năm qua, họ mất hơn 50% lợi nhuận. Nhiều người thậm chí còn mang nợ hàng nghìn USD khi đầu tư vào các dự án chơi game kiếm tiền.
Khi khả năng kiếm tiền trong game không còn, người chơi bắt đầu chán ghét và rời bỏ dự án. Theo Chainplay, hơn một nửa số người chơi cho biết "nền kinh tế kém bền vững" là nguyên nhân khiến mô hình này không còn hấp dẫn. 15% nhà đầu tư nói bong bóng GameFi có thể vỡ. Chỉ 6% cho rằng sự sụt giảm này là do bị ảnh hưởng từ giá Bitcoin.
Blockworks dẫn lời Devin Becker, chuyên gia tư vấn game, rằng: "Ý tưởng tất cả người chơi đều có thể kiếm tiền từ GameFi là một thiếu sót lớn. Mô hình thật sự đang là người chơi trước kiếm tiền từ người chơi sau, luôn có người bị mất tiền và khi không có người chơi mới, nền kinh tế trong game sẽ sụp đổ".
Còn Maciej Burno, người dẫn đầu mảng kinh doanh metaverse mới của Reality Studio, đánh giá một trong những nguyên nhân khiến GameFi không còn hấp dẫn là yếu tố game play vốn không được quan tâm. "Hầu hết người làm GameFi không phải nhà phát triển trò chơi đúng nghĩa", ông nói. Nhiều nhà phân tích tin ở giai đoạn hiện tại, GameFi như một sản phẩm của các kỹ sư tài chính muốn làm giàu nhanh chứ không hoàn toàn xuất phát từ những nhà phát hành có kinh nghiệm làm những game vượt thời gian.
Theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến GameFi bị quay lưng là cộng đồng ngày càng mất niềm tin khi các vụ hack liên tục xảy ra. Điển hình nhất là vụ tấn công vào mạng Ronin của Axie Infinity hồi tháng 3. Afkgaming cho biết sự cố đó đã gieo giắc nỗi ngờ vực trong cộng đồng người chơi. Dù nhà phát hành cam kết hoàn tiền, niềm tin của cộng đồng đã giảm mạnh. Nhiều người chơi trung thành ở Philippines thậm chí rời game trong giận dữ. Mới đây thông tin CEO Nguyễn Thành Trung chuyển 3 triệu USD ra khỏi mạng Ronin trước khi thông báo bị hack cũng gây nhiều hoài nghi.
Không ai có thể dự báo chính xác khi nào sự sôi động của thị trường GameFi sẽ quay lại. Nhưng hiện tại, hầu hết các chuyên gia đều khuyên người chơi nên cẩn thận với các khoản đầu tư. Đã qua thời có thể kiếm được hàng trăm USD mỗi ngày từ game P2E hay M2E. Chưa kể, trong giai đoạn thị trường đi xuống, nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ là những con mồi tiếp theo của hacker. Vụ tấn công vào hàng nghìn người dùng Solana mới đây là lời cảnh báo cho thấy thị trường tiền mã hóa, GameFi vẫn là "miền viễn tây hoang dã" với nhiều rủi ro.