Công nghệ

Tràn lan video "ngắn và nhảm"

Giữa tháng 7, mạng xã hội Việt Nam lan truyền video ghi lại cảnh một cô gái nhún nhảy và quay TikTok khi máy bay đang di chuyển. Ngay khi sự việc lắng xuống, các nền tảng lại rộ lên một video quay cảnh cô gái ngồi xổm trên băng chuyền ở sân bay. Bất chấp phản ứng của cộng đồng và khuyến cáo của cơ quan chức năng, ít ngày sau, một cô gái áo vàng khác lại tiếp tục ngồi ở băng chuyền để quay TikTok.

Trước đó, trào lưu vén áo lắc hông trước màn hình rồi chia sẻ lên các nền tảng video ngắn cũng nở rộ và gây tranh cãi tại Việt Nam. Ngoài ra, không ít người dùng mạng xã hội còn hưởng ứng hàng loạt trào lưu nguy hiểm như cài điện thoại ở cửa sổ máy bay để quay video, thử thách ngưng thở, ăn viên giặt quần áo...

Một video ngắn trên nền tảng Instagram Reels.

Một video ngắn trên nền tảng Instagram Reels.

Theo Washington Post, tình trạng video nhảm tràn lan trên mạng xã hội một phần xuất phát từ cuộc đua thu hút người dùng của các nền tảng mới. Trong hai năm đại dịch, các video ngắn của TikTok nhanh chóng tạo thành cơn sốt khắp thế giới. Chứng kiến thành công ngoạn mục của TikTok, từ năm ngoái và đầu năm nay, các nền tảng Instagram, Facebook, Snapchat, YouTube cũng lần lượt gia nhập cuộc đua tạo tính năng video ngắn để phục vụ thị hiếu người dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc chạy đua khiến đội ngũ kiểm duyệt nội dung không theo kịp lượng người dùng tăng nhanh, khiến video nhảm nhí, cổ súy cho những hành vi nguy hiểm bị trôi nổi khắp các mạng xã hội.

"Các nền tảng đã lựa chọn có chủ ý giữa việc chọn lọc nội dung được phép xuất hiện với mục đích câu view, tối ưu hóa lợi nhuận. Họ xem người dùng như thị trường kiếm lời chứ không phải xã hội với những quy tắc, khuôn khổ cần tuân thủ", Nanjala Nyabola, nhà nghiên cứu xã hội học kiêm chuyên gia công nghệ người Kenya, nhận xét.

Hệ quả là những video có độ dài chỉ chục giây với nội dung độc hại đang bủa vây người dùng trên các nền tảng mới như TikTok, Reels... Minh Hằng, 23 tuổi, quê Hải Phòng, cho biết gần đây nội dung phản cảm, khoe thân xuất hiện dày đặc trên TikTok dù cô không có nhu cầu tìm kiếm.

"Tôi vừa mở ứng dụng, hình ảnh cô gái tên W.J tự động xuất hiện. Trong video, cô này liên tục nhảy nhót, uốn éo trước màn hình, kèm câu mời chào: 'Nghe nói anh thích một cô gái có tầm hồn to và tròn'. Ở phần bình luận là những lời trêu đùa hưởng ứng", Hằng nói. "Còn trên Facebook thời gian gần đây, tôi cứ lướt qua vài bài đăng của bạn bè là lại thấy các video Reels từ người lạ được hiển thị với những hình ảnh lắc hông, khoe vòng một".

Hằng cho rằng có thể thuật toán của các nền tảng video ngắn ưu tiên nội dung được nhiều người quan tâm hơn là nội dung hữu ích. Những video phản cảm có đến cả trăm nghìn lượt thích trong khi video nấu ăn chỉ có vài trăm lượt thả tim.

Trong báo cáo Thực thi tiêu chuẩn cộng đồng, TikTok tuyên bố nội dung khỏa thân, tình dục công khai và khiêu dâm không được phép xuất hiện trên nền tảng. Tuy nhiên trong năm 2021, vẫn có 14% nội dung vi phạm điều khoản. Nền tảng cũng khẳng định 90% trong số các video đó bị xóa trong vòng 24 giờ sau khi được đăng, 78,5% bị xóa khi chưa có lượt xem và 90,3% bị xóa trước khi có bất kỳ báo cáo nào. Tuy vậy, nhiều người cố tình chỉnh sửa video, hashtag để vượt qua khâu kiểm duyệt tự động.

Tama Leaver, giáo sư tại Đại học Curtin (Australia) đang nghiên cứu về các tác động của Internet, cho rằng video nhảm và nội dung dung tục nên được xem là vấn nạn trên các mạng xã hội kiểu mới. "Nó đang ngày một phức tạp và lan rộng do nhiều người sản xuất nội dung thậm chí không nhận thức được những gì họ làm là sai. Đó là vấn đề chung của mọi nền tảng, không chỉ riêng TikTok", ông nói.

Insider dẫn lời các chuyên gia cho rằng những video 15, 20 hoặc 30 giây có thể khiến người trẻ bật cười nhưng sẽ ảnh hưởng đến não bộ theo nhiều cách. Các báo cáo của WSJ cũng chỉ ra người trẻ là nhóm dễ bị tác động nhất bởi video ngắn và nhảm trên mạng xã hội.

Tiến sĩ David Barnhart, cố vấn sức khỏe tâm thần tại Behavioral Sciences of Alabama (Mỹ), cho biết tất cả nền tảng mạng xã hội đều có thể tác động đến cách nhìn nhận của một người về bản thân.

"Người dùng TikTok xem hàng chục video trong vòng vài phút, kích thích cái gọi là hệ thống khen thưởng trong não. Họ có thể nghiện ứng dụng và tìm kiếm sự kích thích liên tục. Ngoài làm trầm trọng thêm sự căng thẳng, người dùng trẻ thường xuyên tiếp xúc với video TikTok gây bất mãn về cơ thể, lo lắng về ngoại hình, nghiện tập thể dục... có thể bóp méo quan điểm về bản thân", ông nói với Insider.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm