Theo tạp chí Kinh tế Việt Nam, Vinfast - An Phát được thành lập với mục tiêu chính là cung cấp phụ tùng, linh kiện nhựa cho việc sản xuất ô tô, xe máy của VinFast và giai đoạn sau sẽ mở rộng sang các đối tượng khách hàng khác.
Đây là sự kết hợp giữa An Phát Holdings với thế mạnh trong ngành sản xuất nhựa, đặc biệt là công nghiệp nhựa phụ trợ khi đang là nhà cung cấp lớn cho các khách hàng như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam,... và ông lớn VinFast với sự đảm bảo đầu ra cho Vinfast - An Phát.
Vinfast - An Phát được thành lập và khởi công xây dựng từ tháng 11/2018. Với diện tích hơn 11.500 m2, Vinfast - An Phát được đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, bao gồm các máy móc phụ trợ được nhập khẩu từ các đối tác lớn trên thế giới.
Trước đó vào tháng 6/2019, Vinfast - An Phát đã chạy thử sản phẩm để có những bước chuẩn bị cho những đơn hàng đầu tiên. Sau khi nhận khuôn mẫu linh kiện nhựa xe máy điện VinFast từ đầu tháng 7, Vinfast - An Phát đã triển khai sản xuất và giao lô hàng đầu tiên cho VinFast vào ngày 24/7. Các sản phẩm của Vinfast - An Phát được kiểm duyệt nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng, đảm bảo đạt yêu cầu về các thông số kỹ thuật của sản phẩm.
Nguồn ảnh: Vneconomy
Năm 2019, Công ty TNHH Linh kiện nhựa ôtô VinFast - An Phát công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, trong đó đã giảm hơn một nửa vốn điều lệ.
Cụ thể, vốn điều lệ của VinFast - An Phát giảm còn 208 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức 420,1 tỷ đồng ban đầu. Trong đó, 2 cổ đông chính vẫn là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings, mỗi bên góp 104 tỷ đồng, tương đương 50% vốn công ty.
Sau khi góp đủ vốn, công ty CP tập đoàn An Phát Holdings chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho công ty con là Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã CK: NHH). BCTC năm 2020 của Nhựa Hà Nội đã đề cập vấn đề này và ghi nhận giá trị khoản góp vốn là 104 tỷ đồng (giá gốc).
Tuy nhiên sau đó, khoản đầu tư vào VinFast - An Phát có vẻ không "phát" như tên gọi.
Cuối năm 2020, BCTC hợp nhất của Nhựa Hà Nội ghi nhận phần lỗ từ công ty liên kết VinFast - An Phát là 23 tỷ đồng (số lỗ được phân bổ tương ứng 50% vốn góp). Như vậy, đến 31/12/2020, giá trị sổ sách phần góp vốn của Nhựa Hà Nội vào VinFast - An Phát chỉ còn 81 tỷ đồng.
Sang 2021, 6 tháng đầu năm, Nhựa Hà Nội tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 18 tỷ đồng từ Vinfast - An Phát, như vậy giá trị khoản góp vốn của Nhựa Hà Nội vào Vinfast - An Phát chỉ còn 63 tỷ đồng. Đến 30/06/2021, BCTC bán niên của Nhựa Hà Nội ghi nhận công ty này đã "bán đứt" Vinfast - An Phát cho đồng sở hữu là Vinfast với giá là 88 tỷ đồng, theo đó công ty ghi nhận lãi từ thanh lý khoản góp vốn là 25 tỷ đồng.
Trích BCTC bán niên 2021đã soát xét của Nhựa Hà Nội
Đọc đến đây, nhiều người có thể sẽ "mất niềm tin" vào kiến thức toán học của mình, khi mà trong thương vụ này, Nhựa Hà Nội mua 50% cổ phần VinFast - An Phát với giá 104 tỷ đồng, sau 3 năm (hoặc có thể ngắn hơn), bán với giá 88 tỷ đồng, kết quả trên sổ sách LÃI 25 tỷ đồng !
Việc hạch toán đương nhiên tuân thủ đúng các quy định, chuẩn mực kế toán hiện hành và được kiểm toán chấp nhận toàn phần. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Thực chất số lãi 25 tỷ đồng năm 2021 của Nhựa Hà Nội là "lãi hạch toán", nghĩa là nó chỉ tồn tại trên sổ sách, và không có thực. Nó bù trừ cho 2 "khoản lỗ trong công ty liên kết" mà công ty đã hạch toán vào năm 2020, 2021 lần lượt là 23 và 18 tỷ đồng.
Như vậy, sau hơn 3 năm, An Phát Holdings đã kết thúc khoản đầu tư vào Vinfast - An Phát, chấm dứt tham vọng trở thành nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện nhựa cho việc sản xuất ô tô, xe máy cho VinFast.