Quảng Bình: Thông qua các nội dung mang tính lịch sử
HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã tổ chức kỳ họp thứ 21 vào sáng 25.4. Đây là kỳ họp mà ông Trần Hải Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá "rất đặc biệt" bởi thảo luận và thông qua nhiều nội dung mang tính lịch sử, nhất là việc hợp nhất 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 145 xã, phường hiện có xuống còn 41 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng
ẢNH: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
Kỳ họp còn thông qua một số nghị quyết quan trọng khác như: hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, điều chỉnh mức phí tham quan du lịch, phân bổ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển mục đích sử dụng rừng và đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HĐND tỉnh Quảng Bình đã biểu quyết thông qua 11 nghị quyết quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Quảng Trị: 98,74% cử tri đồng ý với đề án sáp nhập tỉnh
HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII cũng tổ chức kỳ họp thứ 31 vào chiều 25.4 để thảo luận và thông qua các nội dung lớn: chủ trương thành lập tỉnh Quảng Trị mới trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; các nghị quyết phục vụ phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo tại kỳ họp, đề án sáp nhập nhận được sự đồng thuận rất cao từ cử tri với tỷ lệ 98,74% đồng ý.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Quảng Trị (mới) sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số hơn 1,84 triệu người, gồm 78 đơn vị hành chính cấp cơ sở. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Riêng cấp xã, tỉnh Quảng Trị hiện nay sẽ giảm từ 119 đơn vị xuống còn 37, tỷ lệ giảm gần 70%.

Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị thống nhất các quyết sách quan trọng
ẢNH: T.L.
Các đại biểu cũng kiến nghị Trung ương tích hợp quy hoạch 2 tỉnh thành một quy hoạch tổng thể, phân bổ lại nguồn lực hợp lý để đảm bảo phát triển cân bằng giữa các vùng miền. Đồng thời, đề xuất giữ lại một số cơ quan làm việc tại Quảng Trị để giảm chi phí đầu tư mới và đảm bảo ổn định cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Kỳ họp cũng thống nhất thông qua việc điều chỉnh một số nội dung sáp nhập cụ thể, như nhập 3 xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy (H.Vĩnh Linh) thành xã Vĩnh Thủy, trung tâm hành chính đặt tại xã Vĩnh Lâm.
Tổng cộng 5 nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao, đánh dấu bước tiến lớn trên lộ trình đổi mới bộ máy hành chính của địa phương.
Những quyết sách tại các kỳ họp này của HĐND tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị được đánh giá không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn là tiền đề quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh Quảng Trị sau khi sáp nhập; mở ra cơ hội tối ưu hóa nguồn lực, mở rộng không gian phát triển và phục vụ tốt nhất cho nhân dân.