Trả lời:
Ngủ gật là buồn ngủ và ngủ ngắn bất thường trong những thời điểm không thích hợp, thường xảy ra vào ban ngày khi trẻ đang học hoặc sinh hoạt. Tình trạng này có thể chỉ diễn ra trong vài giây đến một phút, với biểu hiện như mí mắt sụp xuống, đầu gục về phía trước hoặc mất tập trung trong chốc lát. Trẻ đã ngủ đủ giấc ban đêm nhưng vẫn ngủ gật là dấu hiệu bất thường.
Nhiều trẻ có thể ngủ đủ giờ nhưng không đạt chất lượng giấc ngủ cần thiết do ngáy, thở ngắt quãng, rối loạn hô hấp hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Những yếu tố này khiến giấc ngủ ban đêm không sâu, gây mệt mỏi kéo dài và buồn ngủ vào ban ngày.
Rối loạn nhịp sinh học là tình trạng thường gặp ở lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì cũng có thể gây ngủ gật ban ngày, dù ngủ đúng giờ và đủ giấc vào ban đêm. Trẻ cũng có thể mắc những rối loạn thần kinh như chứng ngủ rũ (narcolepsy), với biểu hiện đặc trưng là cơn buồn ngủ đột ngột, không kiểm soát. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm tác dụng phụ của thuốc, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng như sắt, vitamin D hoặc bệnh lý nội tiết - thần kinh tiềm ẩn.
Nếu con ngủ đủ giấc vào ban đêm nhưng vẫn liên tục buồn ngủ vào ban ngày, kèm theo dấu hiệu như tăng cân nhanh, ngáy to, giảm tập trung hoặc có biểu hiện thay đổi hành vi như lờ đờ, hiếu động quá mức, bạn nên đưa con đi khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được đánh giá toàn diện. Bác sĩ có thể chỉ định đo đa ký giấc ngủ nhằm ghi lại sóng não, nhịp tim, nhịp thở, cử động mắt trong khi ngủ của trẻ, từ đó đánh giá chất lượng giấc ngủ, phát hiện các rối loạn tiềm ẩn như ngưng thở khi ngủ hoặc ngủ rũ.

Đo đa ký giấc ngủ giúp xác định các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Các xét nghiệm máu kiểm tra chức năng tuyến giáp, đường huyết, lipid máu có thể được thực hiện để loại trừ nguyên nhân bệnh lý nội tiết. Trong một số trường hợp ít gặp, nếu nghi ngờ bất thường thần kinh, người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc CT để kiểm tra cấu trúc não.
Trường hợp ngủ gật xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý như hội chứng ngưng thở khi ngủ, trẻ có thể được dùng thiết bị hỗ trợ thở (CPAP) hoặc can thiệp y khoa nếu cần thiết. Các rối loạn nội tiết như suy giáp được điều trị bằng thuốc theo phác đồ riêng. Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kích thích tỉnh táo vì có thể gây tác dụng phụ.
Để hỗ trợ cải thiện tình trạng này, trẻ nên được duy trì giờ ngủ - thức đều đặn hằng ngày, kể cả cuối tuần, đảm bảo môi trường ngủ yên tĩnh, tránh sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính ít nhất một giờ trước khi ngủ. Trong ngày, phụ huynh nên khuyến khích trẻ hoạt động thể chất đều đặn, đồng thời đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau, trái cây, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường hoặc caffeine. Một giấc ngủ ngắn khoảng 20-30 phút vào buổi trưa góp phần tăng cường tập trung, tỉnh táo.
Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |