Kỹ năng sống

6 thủ thuật tâm lý nhà hàng thường dùng để "thao túng" khách

Tóm tắt:
  • Khách hàng thường bị tác động bởi yếu tố vô hình khi chọn món ăn tại nhà hàng.
  • Nhà hàng sử dụng nhiều thủ thuật để khuyến khích khách chi tiêu nhiều hơn.
  • Một số thủ thuật bao gồm cách ghi giá và nhạc nền được chọn tùy theo tình huống.
  • Khách hàng cũng bị ảnh hưởng bởi cách thức hỏi về đồ uống và tính phí.
  • Một số người cho rằng đây là nguyên tắc bán hàng chung, không riêng nhà hàng.

Tiến sĩ Basia, nhà tâm lý học người Australia, giám đốc y học lâm sàng của trung tâm sức khỏe tâm thần Harbour Therapy Clinic tiết lộ những thủ thuật các nhà hàng khuyến khích khách chi tiêu nhiều hơn.

"Bạn bị định hướng ngay từ lúc bước chân vào nhà hàng mà không biết", Basia nói.

Một trong những thủ thuật phổ biến là nhà hàng cố tình đưa món ăn có giá đắt hơn hẳn món khác. Basia giải thích đây không phải món chủ lực mà chiêu để các món còn lại trở nên "rẻ hơn" trong suy nghĩ của khách.

Nhà hàng cũng thường để sẵn tiền mặt trong lọ tiền boa. "Khi thấy lọ tiền, bộ não bạn sẽ nghĩ mọi người đến đây đều boa thêm sau khi được phục vụ và làm theo", chuyên gia nói.

Bảng viết tay ghi "món đặc biệt hàng ngày" cũng có hiệu quả tạo cảm giác "món này tươi mới, ít khi có", khác hẳn các món quen thuộc trong menu in sẵn.

Một người dùng TikTok chia sẻ video vạch trần thủ thuật khuyến khích thực khách chi nhiều tiền hơn của nhà hàng. Ảnh minh họa: Shutterstock/El Nariz

Một người dùng TikTok chia sẻ video vạch trần thủ thuật khuyến khích thực khách chi nhiều tiền hơn của nhà hàng. Ảnh minh họa: Shutterstock/El Nariz

Thủ thuật nước uống liên quan đến cách hỏi "Quý khách dùng nước có gas hay không gas?" thay vì "Quý khách có dùng nước không?". Câu hỏi này "bỏ qua lựa chọn có dùng hay không và chuyển thẳng sang lựa chọn loại nào", buộc khách chọn giữa hai loại tính phí.

Về bố cục thực đơn, nhiều nhà hàng bỏ ký hiệu tiền tệ khi ghi giá món. Ví dụ chỉ ghi "24" thay vì "$24". Nếu có ký hiệu tiền, khách nghĩ ngay đến chi phí và do dự, còn "24" chỉ trông như một con số. Cách ghi giá này đánh lạc hướng của khách về sự tốn kém.

Cuối cùng là âm nhạc. Nhà hàng thường bật nhạc có tiết tấu chậm khi vắng (để khách ngồi lâu hơn) và nhạc sôi động khi đông (để khách ăn nhanh và rời đi).

Chia sẻ của Basia được khá nhiều người đồng tình. Một số nói thêm chiêu trò khác như nhà hàng chỉ thay đổi tên món súp dù công thức không đổi, hoặc món "đặc biệt" thực chất được nấu từ nguyên liệu sắp hết hạn.

Tuy vậy, một số người phản bác và cho rằng đó chỉ là "các nguyên tắc bán hàng thông thường", ai cũng áp dụng chứ không riêng nhà hàng.

(Theo Dailymail)

Các tin khác

Ăn gì tốt cho mạch máu?

Ăn cá béo kết hợp củ dền, tỏi có thể giữ cho mạch máu khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh mạch máu tiến triển dẫn đến đau tim, đột quỵ.