Bất động sản

Hậu Giang sẽ khởi công 4 khu tái định cư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 10/2022

Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 110 km, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang (37 km) và Hậu Giang - Cà Mau (73 km); tổng vốn đầu tư hơn 27.250 tỷ đồng; dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025.

Dự án đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 63 km, chiếm 57% tổng chiều dài toàn tuyến. Hiện UBND huyện Châu Thành, huyện Long Mỹ đã bàn giao vị trí quy hoạch xây dựng 2 khu tái định cư để Ban quản lý dự án triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, lập dự án, gồm: Khu tái định cư thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành với diện tích khoảng 2,1 ha và Khu tái định cư thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ với diện tích khoảng 2,4 ha.

Đối với Khu tái định cư thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy và Khu tái định cư xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Uỷ ban nhân dân hai huyện này chưa bàn giao vị trí quy hoạch.

Tại buổi làm việc về giải quyết khó khăn, vướng mắc tại các dự án khu tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (qua tỉnh Hậu Giang), do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Văn Cà Lơ Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, cho biết, đơn vị đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thống nhất quy mô đầu tư 4 khu tái định cư là 246 tỷ đồng. Trong đó, khu tái định cư thị trấn Ngã Sáu có tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng; khu tái định cư thị trấn Vĩnh Viễn có tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng; khu tái định cư thị trấn Nàng Mau có tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng; khu tái định cư xã Bình Thành có tổng mức đầu tư 102 tỷ đồng.

Hậu Giang sẽ khởi công 4 khu tái định cư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 10/2022 - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 63 km, chiếm 57% tổng chiều dài toàn tuyến

Hiện tại, 4 khu tái định cư phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau (đoạn qua địa bàn Hậu Giang) chưa có vốn để thực hiện. Đồng thời, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nên Ban quản lý dự án chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

Sẽ khởi công trong tháng 10

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ứng vốn từ nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 2 dự án thành phần để đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư.

Đồng thời, sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của 4 khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh để trình thẩm định, phê duyệt. Các sở, ngành ưu tiên thẩm định, phê duyệt để dự án kịp tiến độ đề ra. Dự kiến đầu tháng 9/2022 phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế, đến tháng 10/2022 khởi công.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các huyện phải hoàn thành khâu lập quy hoạch chi tiết 1/500 trước ngày 25/8. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch đồng bộ hệ thống xử lý nước thải. Sau khi đã thống nhất, lấy ý kiến quy hoạch sẽ giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tiếp nhận vị trí quy hoạch để chủ động lập dự án theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Tỉnh cũng giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ pháp lý về chính sách đặc thù của dự án cao tốc theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, việc xây dựng khu tái định cư nằm trong chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án thành phần để tổ chức triển khai đúng; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về thẩm quyền chỉ định thầu.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các địa phương, Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý về thông báo thu hồi đất đảm bảo chặt chẽ ngay từ đầu; thông báo thu hồi đất sớm, hạn chế tối đa việc gửi thông báo áp giá đất nhiều lần, sửa nhiều lần. Ủy ban nhân dân các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc xác định giá bồi thường; khẩn trương lập phương án, hoàn chỉnh phương án bồi thường theo từng địa giới hành chính. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể trong di dời hạ tầng kỹ thuật.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm