Kỹ năng sống

Hành trình "đứng dậy" của anh giám đốc mất việc ở tuổi trung niên

Khi còn đi làm, thu nhập hàng tháng của anh là 20.000 tệ (70 triệu đồng). Vợ anh, Niết Văn Khê, là quản lý cấp cao tại một công ty bất động sản, lương 30.000 tệ (hơn 100 triệu đồng).

Cuộc sống ổn định của gia đình bị phá vỡ khi Tân Gia Chí bước vào tuổi 39.

Đó là vào năm 2021, vợ anh bị chẩn đoán ung thư vú. Sau quá trình hóa trị, phẫu thuật và xạ trị, sức khỏe không cho phép nên chị nghỉ việc ở nhà dưỡng bệnh.

Ba tháng sau, bộ phận chăm sóc khách hàng của Tân Gia Chí bị thay thế bởi công nghệ. Anh trở thành người thất nghiệp.

Tân Gia Chí và vợ con. Ảnh: QQ

Tân Gia Chí và vợ con. Ảnh: QQ

Người đàn ông gửi hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng kết quả chỉ là những lần thất bại. "Ở tuổi này tôi nhận ra mình không còn nhiều lựa chọn", anh chia sẻ.

Làm nhân viên giao hàng, tài xế công nghệ và bán bảo hiểm được gọi là bộ ba lựa chọn phổ biến nhất của lao động trung niên thất nghiệp ở Trung Quốc. Tân Gia Chí không muốn theo con đường này. Anh cần một công việc có tiềm năng phát triển.

Khởi nghiệp nhưng cần vốn trong khi kinh tế gia đình đã khánh kiệt. Họ đang sống bằng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng vẫn phải trả các khoản như tiền vay mua nhà, đóng bảo hiểm xã hội, tiền học của con cái và viện phí của người vợ.

Trong quãng thời gian khó khăn nhất, anh phải nhờ sự giúp đỡ của cha già. Mỗi tháng, ngày cha nhận lương hưu anh cảm thấy áp lực nhất, đặc biệt khi nghe ông hỏi "Tháng này con cần tiền không?".

"Tôi hy vọng có thể đủ tự tin nói với cha 'Không cần nữa' thay vì 'Cần thêm một chút'", anh kể.

Tân Gia Chí dẫn phóng viên thăm lại tòa cao ốc, nơi anh từng làm việc ở tầng 18, trước khi bị sa thải. Ảnh: Sina

Tân Gia Chí dẫn phóng viên thăm lại tòa cao ốc, nơi anh từng làm việc ở tầng 18, trước khi bị sa thải. Ảnh: Sina

Dịch Covid-19 bùng phát, anh Tân phát hiện cơ hội kinh doanh khi đi chợ. Nhìn vào thị trường rộng lớn, hàng hóa phong phú, đến 4h chiều vẫn còn đông người qua lại, anh nhận ra đây là nơi mình có thể khởi nghiệp.

Anh giám đốc thất nghiệp quyết định bắt đầu bằng món da cá trộn - thứ đồ ăn được ưa chuộng vào mùa hè ở Quảng Châu.

Biết tin chồng khởi nghiệp ngoài chợ, vợ anh xót xa. Nhưng Tân Gia Chí nói không có chỗ cho chuyện lòng tự trọng bị tổn thương. Gia đình đã bước vào đường cùng.

Anh gỡ bỏ tất cả các ứng dụng tìm việc trên điện thoại và mua sắm dụng cụ cho việc bán da cá trộn. Chợ Sa Viên ở Quảng Châu cho thuê chỗ bán hàng theo ngày nên cũng đỡ cho anh áp lực thuê mặt bằng. Tân thuê một mảnh đất nhỏ trước cửa hàng giày của người đàn ông họ Hùng.

Các tiểu thương xung quanh khi biết chuyện của Tân Gia Chí cũng khâm phục thái độ tích cực đối mặt với cuộc sống của anh. Những lúc rảnh rỗi, mọi người đến chia sẻ kinh nghiệm bán hàng ở chợ cũng như giúp đỡ Tân.

Người cha già ban đầu không ủng hộ anh khởi nghiệp tại chợ nhưng sau thấy con trai dựng quầy, ông thường xuyên đến xem và hỗ trợ.

Để ổn định việc kinh doanh, anh Tân quyết định tập trung vào việc điều chỉnh hương vị da cá, làm sản phẩm của mình có sức cạnh tranh. Anh tìm được đối tác là chị Đỗ, 56 tuổi, một đầu bếp hơn 30 năm kinh nghiệm, từng làm ở các khách sạn lớn. Họ thử nghiệm suốt hai tháng và cho ra một loại nước sốt phù hợp.

Một tháng sau, quầy hàng của Tân trở thành cửa hàng nhỏ. 9 tháng sau, tại nơi có lưu lượng người qua lại lớn hơn trong chợ, họ thuê một cửa hàng mới.

"Tại công ty, tôi được coi là nhân viên lớn tuổi, nhưng tại chợ tôi vẫn là thanh niên. Bây giờ cuộc sống của tôi mới bắt đầu", anh Tân mô tả trạng thái hiện tại của mình.

Thời tiết đã lạnh, kinh doanh da cá cũng chịu ảnh hưởng. Để tăng thu nhập, anh Tân tích cực thử nghiệm sản phẩm mới. Anh học làm bánh bao thủ công, với hy vọng kỹ năng khó bị máy móc thay thế này sẽ giúp mình đối mặt với sự thay đổi trong cuộc sống tương lai.

Tần Gia Chí và vợ trước của hàng bán da cá của họ. Ảnh: QQ

Tần Gia Chí và vợ trước của hàng bán da cá của họ. Ảnh: QQ

Gia đình anh cũng có sự thay đổi lớn. Anh Tân luôn cảm thấy áy náy vì mất thu nhập nên các lớp học năng khiếu của hai con cũng bị hủy bỏ. Nhưng vợ anh nói điều này là một bài học cuộc sống cho các con, dạy chúng biết "Khi quỹ đạo cuộc sống đột ngột thay đổi, cần đối mặt thế nào".

Cô đề nghị hủy kế hoạch du lịch hàng năm của gia đình, thay vào đó là môn leo núi hàng tuần. Cô dẫn các con đến tham quan, vui chơi tại những địa điểm miễn phí hoặc tham gia các hoạt động từ thiện.

Các con trở nên hiểu chuyện, tính tự giác tăng hơn. Sự trưởng thành trong khó khăn của các con khiến cặp vợ chồng rất hài lòng.

"Khi các con thấy bố mẹ như vậy vẫn đầy niềm tin vào cuộc sống, còn tốt hơn so với việc học thêm bao nhiêu lớp phụ đạo. Bởi vì không ai có thể đảm bảo, tương lai của mình sẽ không bị bệnh hoặc thất nghiệp", chị Niết chia sẻ.

Hiện nay, cửa hàng của anh Tân thuê thêm một người bạn trung niên thất nghiệp. Mọi thứ đi vào ổn định, dù thu nhập chưa quá cao. Bệnh của chị Niết vẫn có khả năng tái phát, song gia đình vẫn biết ơn trạng thái hiện tại.

Nhớ lại thời gian thất nghiệp, anh Tân cho biết đó là giai đoạn khó khăn nhất. "Tôi cảm tưởng như đang trôi dạt trên biển và vớ được mảnh gỗ cứu sinh từ chính món da cá.", người đàn ông trung niên nói.

(theo QQ/CCTV)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm