Dữ liệu từ WiChart cho thấy trong tuần từ 27/11 đến 3/12, NHNN đã phát hành 15.480 tỷ đồng tín phiếu, với lãi suất 4%/năm. Cùng thời gian trên, có 7.450 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, trong tuần qua, nhà điều hành đã hút ròng khoảng 8.030 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá, nhà điều hành đã cho các thành viên vay tổng cộng 34.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm, trong tuần từ 27/11 đến 3/12. Tuy nhiên, khối lượng đáo hạn lên tới 78.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng hút ròng qua kênh này lên tới 44.000 tỷ đồng. Tổng cộng trong tuần qua (từ 27/11 đến 3/12) đã hút về 52.000 tỷ đồng.
Hiện NHNN chỉ còn duy trì trạng thái bơm ròng khoảng 8.500 tỷ đồng. Trong những tuần trước đó, nhà điều hành luôn duy trì trạng thái bơm ròng từ 40.000 đến 70.000 tỷ đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đã có xu hướng hạ nhiệt đáng kể. Trong đó, vào phiên 29/11, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tụt xuống 3,11%/năm - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10. Đến ngày 2/12, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhích lên 4,17%/năm, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với lãi suất duy trì trong hơn một tháng qua.
Các lãi suất kỳ hạn một tuần và một tháng lần lượt ở mức 4,41%/năm và 4,44%/năm, đều hạ nhiệt so với mức cao ghi nhận trong tháng 11/2024. Diễn biến của lãi suất liên ngân hàng cho thấy tình hình thanh khoản đã ổn định trở lại sau khi nhà điều hành liên tục bơm thanh khoản thông qua kênh OMO trong khoảng một tháng gần đây.
Theo cập nhật mới nhất, tính đến ngày 22/11/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11,12%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn xa mục tiêu 15% đã đề ra đầu năm.
Theo báo cáo của NHNN tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, để đảm bảo các cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá, và lãi suất cho vay đã duy trì xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024, mặt bằng lãi suất sẽ khó có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.