Kỹ năng sống

Chiến đấu với ung thư để trở lại giảng đường

Nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã khiến cô gái 19 tuổi phải tạm dừng việc học để chữa bệnh cũng như làm thuê kiếm tiền tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ.

"Dù cho mai kia có ra sao, em vẫn tự hào vì biết mình thành công một nửa, đã dám cháy hết mình cho ước mơ", Ka Thẩm, sinh viên Khoa Luật dân sự, Đại học Luật -Kinh tế TP HCM nói.

Ka Thẩm bên căn nhà của gia đình tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm

Ka Thẩm bên căn nhà của gia đình tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ka Thẩm là con cả trong gia đình có ba chị em gái ở thôn 1, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Cô gái bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn của bản nghèo với 100% là người dân tộc Châu Mạ.

Mẹ sức khỏe yếu, ai thuê gì làm nấy, bố cũng quanh năm đầu tắt mặt tối với nghề phụ hồ. Nhà nghèo, nên từ nhỏ Thẩm đã hiểu chuyện. Sống trong căn nhà dột nát tứ phía, mỗi khi mưa dầm buốt giá, cô bé ba tuổi đã biết nhóm lửa giữa nhà sưởi ấm. Bảy tuổi em đã phải đi nhặt cỏ, cuốc đất thuê. Lớn hơn chút nữa Thẩm theo mẹ hái cà phê thuê, hè nào cũng phơi mình ngoài nắng 6-7 tiếng. "Vì thế nên mục tiêu đi học của em rất rõ ràng, học để thoát khỏi nghèo đói", Ka Thẩm nói.

Thời tiểu học, ngoài thời gian trên lớp và cuốc đất thuê, cứ đến tối cô bé lại chong đèn ngồi học. Nhà không có bàn học, Thẩm thường nằm dài ra sàn. Người cha thấy thương đi khắp nơi nhặt gỗ vụn người ta vứt đi về đóng bàn cho con. Suốt tuổi thơ cho đến hiện tại, Thẩm vẫn ngồi học trên chiếc bàn đó.

Năm lớp 9, Thẩm đạt giải Nhì học sinh giỏi môn giáo dục công dân của huyện Bảo Lâm. Cũng từ môn học này, cô bé nhìn thấy đam mê của mình và xác định tương lai là trở thành luật sư, vừa có cơ hội giúp đỡ người khác vừa được xã hội tôn trọng.

Nhưng ông K’ Tan - bố Ka Thẩm không nghĩ xa như vậy. Với ông, con gái chỉ cần học hết cấp 2, đủ điều kiện xin làm công nhân là đủ.

"Những cô gái ít học rồi lại thành bà mẹ nghèo. Những bà mẹ nghèo lại nuôi dạy thế hệ tiếp theo nghèo khó". Ka Thẩm thuyết phục bố. Cô bé quyết tâm, nếu bố mẹ không có tiền, dù đi làm vất vả thậm chí ăn xin cũng phải tiếp tục đi học.

Hiểu tính con gái, người cha lại vay tiền họ hàng cho Ka Thẩm lên cấp 3, đợi mùa cà phê sẽ mang trả. May mắn, tiền bán cà phê năm đó vừa đủ trả nợ khoản nhập học.

Ba năm THPT, Ka Thẩm đều đứng đầu lớp. Vừa đi học vừa đi làm với cường độ cao, ăn uống thiếu chất khiến cô bé nhiều lần kiệt sức nhưng chưa nghỉ học buổi nào. Thẩm sợ bỏ dở một phần kiến thức sẽ lùi lại một bước trên hành trình trở thành luật sư.

Nhưng "tảng đá" lớn bất ngờ xuất hiện, ngáng đường cô bé.

Cuối năm lớp 11, dưới bẹn Ka Thẩm nổi những cục hạch đầu tiên. Đầu lớp 12, hạch lan sang cổ. Đi khám bác sĩ nói chỉ là hạch lành tính, uống thuốc sẽ tiêu dần nên Thẩm yên tâm ôn thi lớp 12 và đậu đại học Luật - Kinh tế TP HCM.

Nhập học được vài buổi, hạch mọc liên tiếp trên đầu và sau tai, gây đau đớn. Kiểm tra tại bệnh viện thành phố, bác sĩ kết luận, cô bị ung thư máu giai đoạn 3B và chỉ định phải hóa trị sớm nhất. Bác sĩ cho biết, tỷ lệ sống trung bình của một bệnh nhân ung thư giai đoạn 3 là khoảng 5 năm. Tuy nhiên, chỉ 45 - 50% số bệnh nhân có được may mắn này.

Cầm kết quả của bệnh viện trên tay, Thẩm lang thang bất định trên đường về trường và khóc suốt đêm. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất cô bé khóc cho thân phận mình.

"Hay là mặc kệ bệnh tật để tiếp tục học. Lỡ một mai qua đời thì cũng đã đi được cùng giấc mơ đến chặng cuối cuộc đời", Ka Thẩm nhớ như in suy nghĩ của những ngày đầu mới phát hiện bệnh.

Nhưng ung thư không phải là trận ốm xoàng. Những ngày sau, u hạch nổi khắp người kèm những trận sốt, cơn đau tưởng chết đi sống lại không cho phép Thẩm đến trường. Em đành xin nhà trường bảo lưu kết quả học tập một năm, gói ghém hành lý trở về căn nhà nát ở xóm rẫy của người Châu Mạ.

Thấy con mới lên thành phố đã về nhà cùng thân hình gầy guộc, bà Ka Thuyên, mẹ Thẩm gặng hỏi mới biết chuyện.

"Tôi khi đó không hiểu ung thư máu là gì, cũng chẳng rõ giai đoạn 3B nguy hiểm thế nào", người mẹ mới học hết lớp 1 kể. Nhưng nhìn con gái vật lộn với những cơn đau mỗi ngày, bà hiểu đó là bệnh nặng.

Không chọn hóa trị theo lời bác sĩ vì gia đình không đủ điều kiện, Ka Thẩm ở nhà dưỡng bệnh, chọn cách chữa trị bằng thuốc Đông y. Kết quả ban đầu, những trận sốt và cơn đau dần thuyên giảm.

Sức khỏe ổn định hơn, Ka Thẩm lại nghĩ tới tương lai của mình. Ngày ngày, ngoài việc uống thuốc đều đặn, cô lại chuẩn bị cuốc liềm lên rẫy làm thuê thời vụ, đồng thời xin bưng bê phục vụ tại các quán cà phê ngoài huyện. Tiền kiếm được, một phần cô dành mua thuốc, phần còn lại tích góp để chuẩn bị cho ngày quay lại giảng đường.

"18 tuổi, còn nhiều hy vọng và hoài bão. Em còn quá trẻ để nghĩ đến cái chết". Ka Thẩm nói.

Ông K' Donh, trưởng thôn 1, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm nói luôn thấy xót xa cho hoàn cảnh cô sinh viên nghèo "học giỏi nhất thôn mà không có tiền chữa bệnh".

Vị cán bộ ấn tượng tinh thần mạnh mẽ của Ka Thẩm sau một lần đến thăm nhà. Khi ông còn chưa biết bắt đầu câu chuyện từ đâu thì cô gái đã động viên ngược mọi người định thăm hỏi mình. "Ung thư không đáng sợ, miễn là dũng cảm đối diện sự thật để không rơi vào tuyệt vọng", cô bé nói.

Ka Thẩm chụp ảnh trong ngày lễ tốt nghiệp cấp 3 tại trường THPT Nguyễn Tri Phương, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ka Thẩm chụp ảnh trong ngày lễ tốt nghiệp cấp 3 tại trường THPT Nguyễn Tri Phương, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ nhỏ, Ka Thẩm thường vẽ những ước mơ cho riêng mình. Trước khi làm bất kỳ việc gì, cô bé sẽ tưởng tượng niềm hạnh phúc mỗi khi đạt được thành công. Trước đây, Thẩm thường mường tượng tới tương lai khi trở thành luật sư, được đứng trước tòa, bảo vệ thân chủ. Nhưng giờ, cô chỉ khao khát thoát khỏi ung thư và bắt đầu lại cuộc sống sinh viên.

Tháng 9/2024, Ka Thẩm trở lại TP HCM học lại năm thứ nhất khoa Luật Dân sự. Thời điểm này triệu chứng bệnh ung thư dần trở nặng với những cơn ho triền miên, không dứt. Đây cũng là điều cô gái 19 tuổi lo lắng nhất khi cơ thể bắt đầu nhờn thuốc.

Ước mơ thành luật sư vẫn đeo bám trong những giấc ngủ chập chờn, nhiều lo toan của cô gái 19 tuổi. Ka Thẩm luôn muốn được sống mãi trong thế giới đó bởi cô hiểu, một khi tỉnh dậy và đối diện sự thật, chỉ còn thấy tiếng thở dài của ba và giọt nước mắt giấu vội của mẹ khi nhìn con gái gắng gượng với cơn đau, trở lại giảng đường.

"Nhưng em sẽ không bỏ học, phải cố gắng đến khi nào không thể cố gắng được nữa", Thẩm nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm