Xã hội

Hành trình đi tìm tên anh

Món quà bất ngờ

Ông Nguyễn Cảnh Thiện (63 tuổi), ngụ xã Quỳnh Văn (thuộc H.Quỳnh Lưu cũ, Nghệ An), là một nông dân nghèo. Ông có người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trị (sinh năm 1951), đi bộ đội năm 1972, sau 2 tuần cưới vợ, và hy sinh 1 năm sau đó. Gia đình chỉ nhận được giấy báo tử. Còn mộ phần của liệt sĩ ở đâu, gia đình nhiều năm cố gắng hỏi thăm đồng đội, nhưng không ai có thông tin.

Hành trình tìm kiếm liệt sĩ: Những bước đi đầu tiên về danh tính và phần mộ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cảnh Thiện (thứ 2 từ phải qua) cùng các thân nhân gia đình liệt sĩ khác ở Nghệ An nhận kết quả đối sánh ADN

ẢNH; THANH LA

Ông Thiện chia sẻ suốt 50 năm qua, kể từ khi đất nước thống nhất, gia đình chưa một lần dám mơ đến việc đi tìm mộ phần của anh trai. Nhưng rồi năm nay, ông Thiện nhận được thông báo đến cơ quan công an lấy mẫu xét nghiệm ADN để làm căn cứ tìm danh tính hài cốt liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trị. Ban đầu, ông cũng băn khoăn vì nghĩ việc xét nghiệm ADN này rất tốn kém. Khi biết gia đình không phải trả phí, ông trút được một nỗi lo, nhưng vẫn chưa biết có cho ra được kết quả gì không!

Không ngờ, chỉ 1 tháng sau, ông được Công an tỉnh Nghệ An mời đến để nghe thông báo là đã xác định được danh tính và phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trị. "Gia đình chúng tôi rất cảm động. Bao nhiêu năm muốn đi tìm nhưng không thể. Nay được nhà nước giúp đỡ xác định danh tính liệt sĩ, chúng tôi vô cùng biết ơn!", ông Thiện nói.

Hành trình đi tìm tên anh - Ảnh 1.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội nhận thông tin xác định danh tính của liệt sĩ

Ảnh: Thanh Lâm

Tìm kiếm gần 50 năm

Liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội, sinh năm 1949 (quê ở xã Quảng Phúc, H.Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cũ) và nhập ngũ 1971, cấp bậc binh nhất. Giữa năm 1972, gia đình liệt sĩ nhận được ba lô của ông cùng giấy báo tử báo tin liệt sĩ đã hy sinh ngày 25.5.1972 tại mặt trận phía nam. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, gia đình liệt sĩ đã bắt đầu hành trình tìm kiếm mộ phần.

Bà Nguyễn Thị Lan, em gái liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội, chia sẻ: "Kể từ khi nhận được tin anh Hội hy sinh, mẹ tôi khóc suốt. Mẹ cứ canh cánh nỗi buồn là anh nằm lạnh lẽo một mình trong rừng, không người ruột thịt hương khói cho anh. Trước khi mất, mẹ trăn trối là phải tìm được anh Hội, đưa anh về quê hương".

Sau khi mẹ mất, các anh chị em của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội tiếp tục hành trình tìm kiếm. Ông Nguyễn Tiến Minh (nay đã 90 tuổi), anh trai của liệt sĩ, nhiều lần liên hệ các chương trình của Đài Tiếng nói VN, các tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ với hy vọng tìm được thông tin về mộ em trai. Dường như không có nghĩa trang nào ở phía nam mà gia đình liệt sĩ chưa từng đặt chân tới. Rồi ông Minh già và lẫn, cháu trai của liệt sĩ (anh Nguyễn Thái Dương) đại diện gia đình tiếp nối công cuộc tìm kiếm. Năm 2020, gia đình đã tham gia một nhóm hơn 80 thân nhân liệt sĩ do Đội K20 tổ chức, cùng gửi mẫu tóc cho đội với hy vọng mong manh.

Nhưng suốt hàng chục năm trời, kết quả vẫn là con số không, gia đình tuyệt nhiên không tìm thấy dấu vết của liệt sĩ. Năm 2025, chương trình thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ do Bộ Công an (với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần GeneStory) được triển khai. Cơ quan công an đã liên hệ với em gái (bà Nguyễn Thị Lan) và anh trai (ông Nguyễn Tiến Minh) của liệt sĩ để thu mẫu ADN. Sau quá trình phân tích và đối chiếu gien tại phòng thí nghiệm, GeneStory đã cho ra kết quả: phần mộ vô danh tại một nghĩa trang chính là nơi yên nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội.

Hành trình đi tìm tên anh - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm ADN cho mẹ VN anh hùng tại nhà

ẢNH: THANH LÂM

Hành trình đi tìm tên anh - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm cho mẹ VN anh hùng

ẢNH: THANH LÂM

Những bước đi đầu tiên

Không chỉ riêng trường hợp liệt sĩ Nguyễn Quốc Hội, nhiều trường hợp khác như liệt sĩ Lương Bá Nho (Yên Dũng, Bắc Giang cũ), liệt sĩ Nguyễn Văn Yên (Hưng Hà, Thái Bình cũ), liệt sĩ Nguyễn Xuân Đại (Gia Bình, Bắc Ninh cũ), Nguyễn Duy Thanh (Nam Đàn, Nghệ An)…, người thân các anh vẫn miệt mài hàng chục năm nay tìm kiếm phần mộ của các anh, nhưng vô vọng.

Vì vậy, năm 2025, khi tham gia vào chương trình thu nhận mẫu ADN của Bộ Công an, họ cũng đều chuẩn bị sẵn tâm thế chờ đợi trong sự nhẫn nại, như họ từng chờ đợi suốt hàng chục năm qua.

Anh Thành, cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Duy Thanh (gọi liệt sĩ bằng cậu), nói: "Khi được mời đi lấy mẫu, chúng tôi chưa dám tin, vì từng chờ đợi quá lâu. Nhưng chỉ 1 tháng sau, chúng tôi được nhận kết quả, thật sự không biết nói sao cho hết niềm vui. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu chờ đợi tưởng như vô vọng, thì hôm nay đã thành sự thật".

Theo TS Dương Ngọc Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GeneStory, sau gần 1 năm triển khai dự án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại VN (Ngân hàng gien liệt sĩ) cùng Bộ Công an, GeneStory đã xác định được danh tính của 16 liệt sĩ thông qua đối sánh ADN. Con số 16 tuy nhỏ so với khoảng nửa triệu hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, nhưng là những bước đi đầu tiên cho một hành trình mà các nhà khoa học, các chuyên gia tin tưởng là sẽ về được đến đích.

Đây là một dự án tiếp tục giúp hàng trăm nghìn gia đình tìm lại tên người thân, tri ân mẹ VN anh hùng, giảm thiểu thời gian chờ và mất mẫu di truyền khi ADN của liệt sĩ bị phân hủy. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng các phương pháp thực chứng hoặc giám định gien.

"Dự án Ngân hàng gien liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 giám định ADN khoảng 20.000 hài cốt liệt sĩ; xác minh, kết luận danh tính 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang bằng phương pháp thực chứng", TS Cường nói.

Cuộc chạy đua với thời gian

Cũng theo TS Cường, quy mô dự kiến của dự án là thu nhận khoảng 1 triệu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ để xét nghiệm miễn phí, ưu tiên các đối tượng dòng mẹ như mẹ, bà ngoại, bác, cậu, dì, anh chị em cùng mẹ. Dự án kết nối dữ liệu ADN với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng công nghệ giải trình tự gien thế hệ mới (NGS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng hiệu quả phân tích.

Tuy nhiên, chiến tranh đã trôi qua khá lâu. Thời chiến, những ngôi mộ được an táng sơ sài, lại ở những vùng miền khí hậu khắc nghiệt (miền Trung, Tây nguyên hay chiến trường miền Nam), các bộ hài cốt bị phân hủy nhiều. Tìm được mẫu đã khó, phân tích để tách được ADN từ mẫu còn khó hơn. Mặt khác, các bà mẹ VN anh hùng hoặc thân nhân liệt sĩ cũng đã lớn tuổi, nếu không triển khai nhanh thì không còn mẫu thân nhân để lấy. 

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, trong các cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có khoảng 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Hiện có hơn 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước; còn khoảng 300.000 hài cốt đã được quy tập nhưng vẫn được ghi là liệt sĩ vô danh hoặc chưa xác định được thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, nằm rải rác ở các chiến trường trong nước và tại Lào, Campuchia.

Dự án Ngân hàng gien liệt sĩ được bắt đầu từ tháng 7.2024, khi GeneStory thu thập những mẫu gien đầu tiên. Tháng 11.2024, GeneStory mở rộng thu mẫu cùng lúc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên (để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi vẫn gọi theo tên hành chính cũ). Tháng 12.2024, hơn 20.000 mẫu hoàn thành phân tích. Tháng 6.2025, có 16 kết quả đầu tiên, 16 danh tính liệt sĩ được xác định. Hiện giai đoạn 2 của dự án đã được khởi động với mục tiêu thu được 35.000 mẫu tại Thanh Hóa.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm

Sáng nay (27/7), giá vàng SJC “neo” ở mốc 121,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay.

Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Đất nước mãi không quên những người anh hùng

Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), cả nước lặng mình tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Hàng loạt hoạt động ý nghĩa diễn ra như một lời nhắc nhở sâu sắc về đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' - truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.

Ký ức về con tàu "không số" ở Hòn Hèo

Giữa biển trời Hòn Hèo lộng gió, có một con tàu nằm lại trong lòng biển cả: tàu C235 và 14 người lính mãi mãi không trở về. Họ đã ngã xuống trong hành trình sinh tử trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, để giữ trọn bí mật và bảo vệ độc lập cho Tổ quốc.

Áp thuế 20% lợi nhuận bất động sản, có lo thất thu?

Tại dự thảo luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất thu thuế 20% trên mức lãi khi chuyển nhượng bất động sản. Nếu không xác định được giá mua và các chi phí liên quan, thuế suất sẽ tính theo giá bán của bất động sản: 10% với bất động sản nắm giữ dưới 2 năm, 6% với bất động sản nắm giữ từ 2 đến dưới 5 năm, 4% với bất động sản nắm giữ từ 5 đến dưới 10 năm và 2% với bất động sản nắm giữ từ 10 năm trở lên.

Phục dựng ảnh liệt sĩ và bữa cơm đoàn viên với Mẹ

Trong một ngày sôi nổi các hoạt động tri ân, đoàn công tác của T.Ư Đoàn do Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang làm trưởng đoàn đã đi thăm Mẹ VN anh hùng Lê Thị Mót (93 tuổi, ở xã Cồn Tiên, Quảng Trị).

Tưởng nhớ công lao to lớn của các liệt sĩ

'Mỗi ngọn nến thắp lên không chỉ để tri ân quá khứ mà là ánh sáng soi đường!'. Đó là lời nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ cấp quốc gia tổ chức vào tối qua (26.7) ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).

3 không khi ăn ngô luộc

Ngô luộc không chỉ ngon miệng mà còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Dù vậy, bạn cũng nên lưu ý 3 điều khi thưởng thức loại thực phẩm này.