Thoạt đầu, nó có vẻ giống như bất kỳ một video mở hộp nào khác mà bạn thấy trên Youtube: Một thanh niên đưa một chiếc hộp quà bí ẩn (Mystery Box) ra trước ống kính máy quay. Anh giới thiệu chiếc hộp có giá 1.000 Bảng Anh (tương đương gần 30 triệu VNĐ).
Và bạn mong chờ món quà bất ngờ nào sẽ có trong một chiếc hộp bí ẩn như vậy? Đó có phải là một chiếc iPhone đời mới? Một chiếc MacBook Pro hay một cặp vé du lịch hạng sang ở Châu Âu?
Không! Khi chàng thanh niên mở chiếc hộp ra, anh ta nhận được một bộ quần áo người nhện (không phải là bộ của IronMan gửi tặng), mà chỉ là một bộ quần áo cosplay bình thường mặc lên trông còn xấu tệ.
Thứ quý giá trong chiếc hộp trị giá 1.000 Bảng Anh hóa ra là 7 con nhện tarantulas vẫn còn sống để thêm vào bộ sưu tập phía sau lưng anh ấy. Chàng thanh niên còn zoom ống kính cận cảnh vào một con vật lông lá đặc biệt quý hiếm, để bạn có thể nhìn thấy từng chiếc lông mềm mại trên 8 cái chân khúc khuỷu của nó.
Chào mừng bạn đã đến với thị trường nhện.
Có một thị trường nhện toàn cầu
Có thể bạn đã nghe nhiều về thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường tiền điện tử. Nhưng bạn đã bao giờ nghe về thị trường nhện toàn cầu chưa? Trên thực tế, cứ ở đâu có một mặt hàng hoặc một dịch vụ, cho người mua và người bán trao đổi thì ở đó sẽ hình thành lên một thị trường.
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Communication Biology, lần đầu tiên các nhà khoa học đã tiến hành một khảo sát về thị trường nhện toàn cầu. Và kết quả cũng phải khiến họ bất ngờ khi có hàng nghìn loài nhện đang được mua đi bán lại mỗi ngày trên thế giới.
Ví dụ như Tarantulas, một họ nhện lớn có độc và hầm hố đang là một trong những đối tượng được mua bán nhiều nhất. Người đặt hàng có thể mua chúng qua các hộp quà bí ẩn (Mystery Box) mà các cửa hàng sẽ gửi ngẫu nhiên cho họ.
Alice Hughes, một nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Bạn có thể mua cho mình một hộp quà nhện bí ẩn. Nó giống như khi bạn thu nhận được một con Pokémon: Bạn có thể nhận được một con siêu hiếm, hoặc bạn có thể nhận được một con nhện ngẫu nhiên".
Nhiều người mua nhện vì thú vui, họ nuôi chúng để làm cảnh bởi nhiều loài nhện rất sặc sỡ và đẹp. Tuổi thọ của nhện cũng có thể lên tới hàng chục năm, nên chúng có thể gắn bó lâu dài với chủ nhân.
Nhưng cũng có người mua bán chúng vì mục đích kinh tế. Bởi lớp hình nhện còn gồm cả uropygi và bọ cạp, mà các loài vật này có thể sản xuất ra nọc được bán với giá cao.
Trong bài viết trước đây, chúng tôi đã nói về sự quý giá của nọc bọ cạp, và tại sao mỗi ml nọc của chúng có thể được bán với giá lên tới 230 triệu VNĐ.
Mặc dù vậy, vấn đề với thị trường nhện và các loài thuộc lớp hình nhện là đa số chúng hiện đang được đánh bắt trong tự nhiên. Nghĩa là sự phát triển của thị trường vô hình trung cũng đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật này.
Do đó, có một cái nhìn toàn cảnh về thị trường nhện toàn cầu cũng cho phép các nhà khoa học có kế hoạch hoặc giải pháp để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế mà những loài vật này mang lại, vừa đảm bảo sự tồn tại và đa dạng sinh học của chúng ngoài tự nhiên.
Một loài bọ cạp rừng châu Á: Heterometrus spinifer.
Đó là một "chợ đen" khổng lồ
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi nhà sinh học bảo tồn Benjamin Marshall và các đồng nghiệp của anh tại Đại học Suranaree. Trong đó, Marshall đã thực hiện một khảo sát trên internet bằng cách tìm kiếm các cụm từ "nhện", "lớp hình nhện" và "bọ cạp" bằng 9 ngôn ngữ khác nhau để xác định các trang web bán chúng.
Sau khi loại bỏ các cửa hàng bán đồ không liên quan, ví dụ như đồ sưu tầm Người Nhện hoặc máy xúc hình nhện, Marshall đã có được một danh sách các website chuyên kinh doanh và buôn bán nhện hoang dã.
Để chắc chắn hơn, các nhà khoa học còn sử dụng Internet Archive để tìm các trang web bán hàng có từ năm 2002.
Kết quả, Marshall và các đồng nghiệp đã tìm thấy 1.248 loài nhện đang được buôn bán khắp thế giới. Danh sách dài này bao gồm nhiều loài khá quý hiếm, ví dụ như bọ cạp rừng Châu Á khổng lồ và nhện tarantula có sọc ở Costa Rica.
Nhưng thật ngạc nhiên, ngay cả những con nhện chân dài có đầy trong những tầng hầm cũng có thể được đem ra bán. "Những con nhện này chẳng đẹp đẽ hay có thể gây ấn tượng với ai", Caroline Fukushima, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Phần Lan, cho biết. "Chúng trông chỉ giống như một quả bóng nhỏ có chân".
Để so sánh quy mô của thị trường nhện đang được buôn bán trên internet, các nhà khoa học đã đối chiếu nó với cơ sở dữ liệu của Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ. Thật ngạc nhiên là ngay cả cơ quan chính phủ Mỹ cũng chỉ liệt kê được 267 loài nhện.
Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (hay còn gọi là Công ước CITES) cũng chỉ quy định việc buôn bán quốc tế của 30 loài nhện tất cả. Điều đó có nghĩa là phần lớn các loài nhện đang được buôn bán trên internet thuộc về thị trường chợ đen.
Các nhà khoa học cho biết hơn 70% các loài họ tìm thấy không được công nhận là loài được phép buôn bán bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào.
Hậu quả của điều đó là gì?
Theo thống kê của Marshall và các đồng nghiệp, khoảng 2/3 số nhện và bọ cạp được buôn bán trên internet ngày nay được bắt từ môi trường tự nhiên thay vì nuôi nhốt.
Và số lượng của chúng có thể lên tới hàng triệu cá thể. Ví dụ như chỉ tính riêng ở Mỹ, nước này đã nhập 1 triệu con bọ cạp hoàng đế trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021. Với một nhóm nhện thuộc loài Grammostola tarantulas, con số này là khoảng 600.000.
Hughes cho biết: "Thường thì khi mọi người vào một cửa hàng thú cưng, họ sẽ nghĩ những con vật ở đây đều được nhân giống và nuôi nhốt. Nhưng đối với những loài động vật nhỏ như nhện, hơn 50% cá thể bạn nhìn thấy trong các cửa hàng thú cưng thực sự đã bị bắt từ tự nhiên.
Và đó là con số trước khi chúng ta tính toán đến tỷ lệ tử vong của chúng, vì tất nhiên, nếu chúng được vận chuyển từ một nơi như Châu Phi, một số lượng lớn cá thể có thể đã chết trên đường đi".
Ngoài ra, thị trường nhện trên chợ đen hiện nay còn phát triển nhanh đến nỗi một số loài nhện còn bị bán trước cả khi các nhà khoa học biết đến chúng. Họ đã xác định được khoảng 100 loài như vậy, một trong số đó là loài "nhện xanh Việt Nam" (Vietnam blue tarantula).
Trang web Reptile Rapture đang bán loài nhện này với một cảnh báo: "Không dành cho người mới bắt đầu chơi. Loài nhện này có cơ chế phòng thủ rất mạnh". Đây có thể là một phân loài nhện mới của tarantula nhưng cũng có thể là một loài nhện mới hoàn toàn.
Một con "nhện xanh Việt Nam" (Vietnam blue tarantula).
"Điều này cho thấy những người săn nhện chỉ đang đi ra ngoài cánh đồng, họ tìm thấy một loài nào đó mới thì bắt ngay chúng lại và đưa lên mạng bán", Anne Danielson-Francois, một nhà sinh thái học và hành vi loài nhện tại Đại học Michigan-Dearborn cho biết.
"Buôn bán động vật hoang dã là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Một phân tích gần đây đã chỉ ra buôn bán vật nuôi là mối đe dọa tiềm tàng lớn đối với 36% loài bò sát và 17% động vật lưỡng cư, với khoảng một nửa số cá thể có nguồn gốc từ các quần thể hoang dã và đó là những con số vượt ra ngoài tưởng tượng và những ước tính của chúng ta trước đây", các nhà nghiên cứu viết.
Nhện được bán ở một khu chợ động vật hoang dã ở Thượng Hải.
Động vật hoang dã, trong đó có các loài nhện, không phải là một nguồn tài nguyên vô hạn. Nếu bị loại bỏ với số lượng lớn khỏi tự nhiên, chúng có thể bị đe dọa đến mức tuyệt chủng.
Tuy nhiên, khi nói đến nạn buôn bán động vật hoang dã từ trước tới nay, công chúng chỉ tập trung vào một số loài chẳng hạn như voi, vẹt và rùa biển. Họ ít khi nhận thức được rằng những con côn trùng như nhện cũng đang bị buôn bán dưới một thị trường chợ đen khổng lồ.
Vì vậy, nghiên cứu mới này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý và bảo tồn, rằng họ sẽ cần phải có nhiều quy định hơn, nhiều chế tài hơn để kiểm soát thị trường buôn bán nhện này.
Tham khảo Nytimes , Sciencealert , Wired