Danh sách các tập đoàn quốc tế chấm dứt hoạt động với Nga hiện nay đã dài như tờ sớ, và mỗi ngày qua đi lại có thêm những cái tên mới.
Thống kê sơ bộ dưới đây cho thấy đã có ít nhất 100 thương hiệu lớn rời bỏ Nga thuộc đủ mọi lĩnh vực, từ Apple, Facebook, YouTube trong ngành công nghệ tới Ford, Toyota trong ngành xe hơi hay Coca-Cola và Pepsi trong mảng đồ uống.
Nhiều doanh nghiệp rời bỏ Nga vì hoàn cảnh xô đẩy. Chẳng hạn, Mỹ và EU nghiêm cấm các giao dịch mua bán máy bay cũng như linh kiện hàng không với Nga. Vì vậy, dù muốn dù không, Airbus và Boeing cũng sẽ phải khăn gói ra đi.
Nhiều công ty như cắt đứt quan hệ với Nga nhằm thể hiện quan điểm phản đối hành động quân sự của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine, cũng như vì lo ngại bị công chúng tẩy chay. Vậy nhưng đâu đó vẫn có những thương hiệu tiếp tục làm ăn ở Nga.
Phục vụ người dân Nga
Trong tuần này, các đại gia hàng tiêu dùng Procter & Gamble và Unilever thông báo sẽ ngừng đầu tư mới và không quảng cáo tại Nga. Tuy nhiên, cả hai tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục bán các sản phẩm thiết yếu tại đất nước rộng nhất hành tinh này.
Tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới là Nestle cũng tuyên bố ngừng hoạt động đầu tư mới và quảng cáo, nhưng vẫn sẽ bán các loại thực phẩm cơ bản tại Nga. Website của Nestle cho biết công ty này có 7 nhà máy ở nước này.
Mondelez (công ty sản xuất sô cô la Cadbury) thông báo sẽ giảm các hoạt động không thiết yếu, dừng đầu tư mới và không quảng cáo tại Nga. Tuy nhiên, Mondelez vẫn sẽ cung cấp các sản phẩm cơ bản và duy trì "nguồn cung thực phẩm". Kimberly-Clark (hãng sản xuất bỉm Huggies) chưa có kế hoạch giảm hoạt động ở Nga.
Bà Katie Denis, người phát ngôn của Hiệp hội Thương hiệu Tiêu dùng mà P&G và Modelez là thành viên, cho biết: "Vấn đề không chỉ là lợi nhuận thuần túy mà còn là các doanh nghiệp có tiếp tục sản xuất những thứ mà mọi người đều cần hay không? Câu chuyện ở đây khác với những công ty đã ra thông báo trước đó".
Ông Joe Sinha, Giám đốc marketing của quỹ đầu tư Parnassus Investments cho biết ông ủng hộ cấm vận các ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ Nga có liên quan chặt chẽ với quân đội. Song với các công ty thực phẩm thì câu chuyện lại hơi khác.
"Với một số loại hàng hóa và dịch vụ, lệnh cấm vận sẽ gây tổn hại tới những người dân không có liên quan gì tới chính quyền", ông Sinha nói.
Ông lớn ngành thuốc lá Philip Morris cũng chỉ thông báo ngừng đầu tư chứ không rời đi ngay. Thống kê bên dưới cho thấy Philip Morris là công ty nước ngoài có doanh thu tại Nga cao nhất năm 2020, tương đương hơn 17% doanh thu toàn cầu của tập đoàn này.
Thương hiệu thời trang xa xỉ Giorgio Armani và Prada chưa thông báo kế hoạch đóng cửa ở Nga.
LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu đình đám như Christian Dior, Givenchy và Bulgari, thông báo sẽ đóng 124 cửa hàng tại Nga từ ngày 13/3, tức là hơn hai tuần sau khi xung đột bắt đầu.
Chanel cũng vừa đưa ra quyết định tương tự, với lý do là "tình hình ngày càng bất ổn và việc vận hành ngày càng phức tạp".
Trước đó, ông Jean-Christophe Babin, CEO của Bulgari tuyên bố không dừng hoạt động ở Nga vì sức ép chính trị. "Chúng tôi ở Nga là vì người dân Nga, không phải vì thế giới chính trị. Chúng tôi hoạt động ở rất nhiều nước trên thế giới với các giai đoạn căng thẳng và nhiều bất ổn", CEO của Bulgari chia sẻ với Bloomberg.
Tiếng nói từ ngành hàng không
Nga đã bị hàng chục quốc gia cấm vận, không được tham gia hàng loạt tổ chức và môn thể thao như bóng đá, quần vợt, bắn cung, đạp xe, trượt tuyết, bơi lội, chèo thuyền, bóng chuyền, … Người khuyết tật Nga cũng bị cấm tham dự Paralympics 2022 tại Bắc Kinh.
Vậy nhưng có một tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận nhằm vào Nga: Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm Airbus, Boeing cũng như các doanh nghiệp khác bán máy bay và cung cấp hàng hóa, dịch vụ hàng không cho Nga. Nói cách khác, các hãng bay Nga sẽ không thể mua máy bay mới, cũng không thể mời chuyên gia Âu – Mỹ tới sửa chữa tàu bay, không thể mua linh kiện tàu bay để thay thế.
"IATA phản đối lệnh cấm xuất khẩu linh kiện tàu bay và phụ tùng thay thế vì việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. An toàn lúc nào cũng phải là trên hết", IATA tuyên bố.
Công ty huấn luyện phi công CAE cũng dừng làm ăn với hãng hàng không Nga. Cơ quan quản lý Nga đã thông báo dừng tất cả hoạt động thanh kiểm tra các hãng hàng không.
Hãng hàng không quốc gia Aeroflot của Nga hiện đang vận hành 6 tàu bay thân rộng Airbus 350, khoảng 100 chiếc trong họ A320, gần 40 chiếc Boeing 737-800 và 22 chiếc Boeing 777-300ER.
Việc không có linh kiện và chuyên gia sửa chữa sẽ khiến đội bay của các hãng hàng không Nga suy yếu dần.
Châu Âu cấm bay, liệu Nga có giữ luôn hơn 500 chiếc máy bay đang thuê?
Nga tuyên bố tự sản xuất dòng máy bay MC-21, tuy nhiên động cơ của chiếc tàu thân hẹp này là do Pratt & Whitney của Mỹ cung cấp. Nga đang cố gắng tự nghiên cứu và sản xuất động cơ cho chiếc MC-21 nhưng phải mất khoảng hai năm nữa mới hoàn thành.
Chiếc Sukhoi Superjet 100 mới của Nga sử dụng động cơ trong nước, nhưng một số linh kiện quan trọng trong động cơ này là do Safran – tập đoàn hàng không của Pháp – chế tạo.
Nga có thể dùng linh kiện của chiếc này để đắp vào chiếc khác, tương tự như cách mà Iran đã làm để giữ cho đội máy bay chiến đấu F14 do Mỹ sản xuất tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, cách làm này không phải là phương án bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mối đe dọa quốc hữu hóa
Đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất mới đây đề xuất quốc hữu hóa những doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga sau khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đảng này cũng cho biết một ủy ban của chính phủ đã phê duyệt bước đầu tiên trong quá trình quốc hữu hóa. Nga cho rằng biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn việc các tập đoàn bán thanh lý tài sản rồi tẩu tán tiền ra nước ngoài.
Chính phủ Nga sẽ tiếp quản quyền sở hữu các nhà xưởng, máy móc, văn phòng, ... của các doanh nghiệp nước ngoài rồi duy trì hoạt động trong điều kiện mới, qua đó hy vọng không làm tăng tình trạng thất nghiệp.
Các doanh nghiệp đã thông báo rời khỏi Nga như Ford, Microsoft, Apple, ... sẽ không thể thoái vốn theo cách thông thường mà buộc phải bỏ lại tài sản cho chính phủ Nga kiểm soát rồi ra đi với hai bàn tay trắng. Nếu số vốn đầu tư vào Nga quá lớn, một số doanh nghiệp sẽ không sẵn lòng để mất và do vậy tiếp tục làm ăn ở Nga.
Làm ăn với Nga là nuôi cỗ máy chiến tranh của ông Putin?
Một trong những lập luận xuất hiện nhiều những ngày gần đây là: Làm ăn với Nga tức là tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, là tiếp tay cho binh lính Nga tàn phá Ukraine, …
Khi đại gia dầu khí Shell mua 100.000 tấn dầu thô từ Nga vào ngày 4/3 với giá rẻ, Ngoại trưởng Ukraine đã viết trên Twitter: "Tôi chỉ muốn hỏi Shell một điều: Dầu của Nga có mùi máu của nhân dân Ukraine không?"
Giá xăng lên cao kỷ lục: Mỹ đổ lỗi cho ông Putin, nhưng lý do chính lại là ông Biden
Shell đã phải lên tiếng giải thích, xin lỗi và hứa sẽ không lặp lại. Tuy vậy, lời giải thích của Shell cũng cho thấy một trong những lý do mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục làm ăn với Nga, ít nhất là trong tương lai gần: Ảnh hưởng của việc ngay lập tức dừng giao dịch với Nga là quá lớn.
Shell cho biết tập đoàn này hiểu rõ sẽ vấp phải phản ứng tiêu cực của dư luận nhưng vẫn nhập 100.000 tấn dầu của Nga vì không muốn hoạt động tại các nhà máy của mình bị gián đoạn và ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu ra thị trường. Shell cũng đã tuyên bố sẽ rút khỏi các dự án hợp tác với doanh nghiệp Nga, chấp nhận mất khoảng 3 tỷ USD.
Nhiều quốc gia đã và đang bị Phương Tây trừng phạt như Iran, Venezuela, Triều Tiên. Tuy nhiên, không nước nào có quy mô nền kinh tế lớn như Nga và bị cấm vận đột ngột như Nga.
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dưới đây, Nga hiện có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xếp thứ 11 thế giới trong khi GDP của Iran xếp thứ 17, kém Nga khoảng 34%.
Mỹ chỉ mới tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng Nga từ hôm 8/3 khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đang trong tuần thứ 2. Chính phủ các nước châu Âu chưa thể ngay lập tức "cai nghiện" năng lượng của Nga và đến giờ phút này vẫn đang nhập khí đốt từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 1.
Nếu nói theo cách mà Ngoại trưởng Ukraine chất vấn Shell thì các quan chức châu Âu có thấy mùi máu của nhân dân Ukraine trong khí đốt của Nga không?
Nếu như tiền từ dầu mỏ và khí đốt sẽ giúp ông Putin tấn công Ukraine, vậy tiền từ xuất khẩu Uranium sang Mỹ thì sao? Tại sao Mỹ mới chỉ cấm năng lượng mà vẫn chưa cấm Uranium của Nga?
Nếu như các nước Phương Tây vẫn tiếp tục mua chất phóng xạ và dầu khí từ chính phủ Nga, thì việc một công ty bán bỉm sữa và thực phẩm thiết yếu cho một bà bầu ở Moscow có gì đáng trách?