"Có bao nhiêu trong số các bạn muốn sở hữu một chiếc MacBook M1 hai năm tuổi? Thật tệ bởi các nhà tái chế đang nghiền chúng thành bụi", John Bumstead, chủ công ty tân trang máy tính RDKL (Mỹ), viết trên Twitter mới đây.
RDKL chuyên nhập laptop Apple cũ để tân trang, thay thế bộ phận không thể sử dụng, từ đó cung cấp ra thị trường những chiếc máy tính với giá thấp, đồng thời giúp giảm rác thải điện tử ra môi trường. Nhưng theo Bumstead, tình trạng ngày càng khó khăn hơn vì chính sách của Apple, nhất là trong việc dùng khóa kích hoạt Activation Locked và tính năng bảo mật tích hợp trên chip. Trong nhiều trường hợp, giải pháp duy nhất là nghiền MacBook do không thể tái sử dụng, dù chúng mới được sản xuất ít năm và vẫn trong tình trạng hoàn hảo.
Trước đây, để bán máy tân trang, những công ty tân trang cần giấy chứng nhận đã hủy dữ liệu trên thiết bị cũ. Tuy nhiên, yêu cầu này bị cho là thiếu tính thực tế, nên phần lớn công ty chọn giải pháp bán máy không chứa ổ cứng. Từ 2016, Apple tích hợp ổ cứng vào bo mạch, khiến việc thay thế linh kiện này trở nên khó khăn. Đến 2018, Apple tiếp tục khóa thông tin bảo mật trong một chip có tên T2 đi cùng chip Intel, sau đó tích hợp thẳng vào chip Apple Silicon, khiến việc tái chế những máy bị khóa trở nên bất khả thi.
"Hiện nay, bảng mạch cũng bị khóa nốt. Vì vậy, chúng về cơ bản vô giá trị. Bạn thậm chí không thể khởi động những MacBook 2018 trở về sau nếu bị khóa, bởi theo mặc định, MacBook không cho khởi động từ thiết bị ngoại vi", Bumstead nói.
Khóa kích hoạt là một trong những giải pháp bảo mật nổi tiếng của Apple, được sử dụng trên hầu hết thiết bị như iPhone, iPad, MacBook nhằm hạn chế việc sử dụng một thiết bị đã có chủ. Nếu không có tài khoản iCloud chính chủ, người khác không thể sử dụng thiết bị, cho dù cài lại phần mềm.
Trong bài đăng của Bumstead, một chủ cửa hàng tân trang khác xác nhận họ đã phải tái chế hoặc bỏ hơn 2.500 thiết bị khóa iCloud trong 2-3 năm qua. "Chúng tôi chỉ là một cửa hàng. Hãy tưởng tượng tổng số rác thải Apple đã tạo ra vì điều này, trong bối cảnh các thành phần máy tính ngày càng đắt đỏ và khó sản xuất", người này nói.
Tình trạng phải tiêu hủy máy vốn không xảy ra với máy tính cá nhân, vì chỉ cần yêu cầu chủ cũ tắt khóa bảo mật. Tuy nhiên, nguồn hàng cũ phần lớn đến từ các tập đoàn, trường học thanh lý thiết bị, nên các công ty như của Bumstead gặp khó khăn vì không thể nhờ hỗ trợ mở.
Theo ông, các công ty tân trang là chủ sở hữu hợp pháp của những chiếc máy cũ đã thu mua, nhưng số phận những thiết bị đó lại không hoàn toàn nằm trong tay họ. Một số thương gia tìm đến giải pháp "bypass", tức dùng thủ thuật vượt qua bước khóa kích hoạt của Apple. Tuy nhiên, đây không phải cách các công ty chuyên nghiệp sử dụng.
Giới am hiểu thị trường nhận định, giai đoạn tràn ngập máy tính bị khóa kích hoạt chuẩn bị diễn ra. Đó là những máy tính được các tổ chức lớn mua trong giai đoạn 2018-2019 và bắt đầu vào thời kỳ thanh lý. Theo Bumstead, "chắc chắn rất nhiều máy được bán ra trong tình trạng bị khóa".
Trong trường hợp của Bumstead, ông cho biết giải pháp hiệu quả là gửi thông tin tài khoản iCloud do công ty kiểm soát và thông tin máy cho Apple. Hãng sẽ kiểm tra hồ sơ thiết bị, truy vấn tới chủ sở hữu ban đầu và nếu họ không có phản đối, thiết bị sẽ được mở khóa. Tuy nhiên quá trình này có thể mất hơn 30 ngày.
(theo Vice, 9to5Mac)