Tài chính

Lạm phát tiêu dùng tại thủ đô của Nhật Bản lên gần mức cao nhất trong 42 năm

Con số trên đánh dấu mức tăng hàng năm nhanh nhất trong gần 42 năm và khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản chịu áp lực phải loại bỏ dần các biện pháp kích thích kinh tế.

Mặc dù các khoản trợ cấp năng lượng của Chính phủ Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng tới có thể sẽ làm giảm mức tăng giá so với tháng 2, nhưng khả năng tăng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong những tháng tới, khi các công ty tiếp tục chuyển dần chi phí tăng cao hơn cho người tiêu dùng.

Sự gia tăng chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của Tokyo, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm nhiên liệu, vượt quá dự báo trung bình của thị trường (4,2%) và đánh dấu mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 5/1981.

Trước đó, vào tháng 12/2022, con số này là 3,9% và duy trì trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản trong tháng thứ 8 liên tiếp, theo dữ liệu được công bố hôm 27/1.

Đồng Yen và lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản kỳ hạn 10 năm (JGB) tăng sau khi dữ liệu được công bố, phản ánh kỳ vọng của thị trường rằng lạm phát gia tăng có thể khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản sớm rút lại gói kích thích.

Chỉ số giá tiêu dùng của Tokyo, không bao gồm cả chi phí nhiên liệu và thực phẩm tươi sống, được Ngân hàng trung ương Nhật Bản theo dõi chặt chẽ như một thước đo áp lực giá cả do nhu cầu trong nước, cao hơn 3,0% trong tháng 1 so với cùng kỳ, tăng từ mức tăng hàng năm 2,7% của tháng 12/2022.

Dữ liệu được đưa ra sau đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 26/1, theo đó Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ tăng linh hoạt hơn để đặt nền móng cho việc thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của nước này.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong tháng 1 này, nhưng đã nâng dự báo lạm phát trong các dự báo hàng quý mới, nguyên nhân là do các công ty tiếp tục chuyển chi phí nguyên vật liệu cao hơn cho người tiêu dùng.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4 tới, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo cho đến khi tiền lương tăng nhiều hơn, biến lạm phát do chi phí tăng gần đây thành lạm phát do nhu cầu trong nước mạnh mẽ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm