Nhà văn Arthur Brooks đang làm việc tại Harvard là người khởi xướng "quy tắc 10 năm", khuyến khích mọi người thay đổi sau mỗi thập kỷ.
Ông đã áp dụng quy tắc này cho cuộc đời mình. Ở tuổi hai mươi, ông là nhạc sĩ sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế, giảng dạy tại đại học trong 15 năm sau. Arthur Brooks trở thành doanh nhân, đứng đầu viện Doanh nghiệp phi lợi nhuận Mỹ trong một thập kỷ tiếp theo. Sau khi viết một số cuốn sách nổi tiếng, ông trở thành giáo sư tại Harvard và trở thành nhà nghiên cứu về hạnh phúc. Brooks nói, có thể ở lại với âm nhạc và trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp hoặc là chuyên gia trong kinh tế học hàn lâm... nhưng với mỗi thay đổi, ảnh hưởng của ông ngày càng lớn.
Bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu, David Sackett, nổi tiếng là một trong những người sáng lập phong trào "Y học thực chứng" (EBM) vào những năm 1970 và 1980, tin rằng một khi bạn đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, bạn nên bỏ việc.
Lý do của ông bao gồm thực tế là các chuyên gia thường chậm tiến độ vì họ đưa ra những ý tưởng từ rất lâu, trước khi được chấp nhận là chuyên gia. Sau khi đạt trình độ chuyên môn họ lại dành phần đời còn lại bảo vệ những ý tưởng trước đó của mình.
Các chuyên gia thường không giúp các lĩnh vực tiến bộ. Những người trẻ tuổi chưa phải chuyên gia mới thường nghĩ ra những ý tưởng mới. Sau đó, một vòng lặp lại, họ thành chuyên gia và ngăn chặn sự tiến bộ hơn nữa.
Lý do cuối cùng, theo Nassir Ghaemi, chuyên gia tâm thần học ở Mỹ, bạn không cần phải là chuyên gia trong cùng một lĩnh vực mãi mãi. Trên thực tế, bạn sẽ không bao giờ biết liệu điều tuyệt vời tiếp theo có thể xảy ra hay không, trừ khi bạn ngừng thử thách bản thân. Nói cách khác, trở ngại lớn nhất của thành công là thành công, theo Nassir Ghaemi.
Có một phạm vi để bạn cân nhắc là nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, hãy thay đổi trong 5 năm. Nếu mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, bạn có thể kéo nó ra trong 15 năm. Nhưng hãy thay đổi.
Khi bạn thành công ở điều gì đó mà bạn đã tìm kiếm, bạn thường sẽ dừng lại và tiếp tục làm thứ mình thành công mãi mãi. Trong đời sống học hành, đây là căn bệnh kinh niên triền miên.
Có người khởi nghiệp ở tuổi ba mươi và trở nên nổi tiếng với một lĩnh vực chuyên môn nhỏ nào đó ở tuổi bốn mươi. Sau đó, thu nhập được đảm bảo và họ lặp lại những ý tưởng tương tự trong 40 năm tiếp theo, nửa sau của cuộc đời, về cơ bản là không làm gì cho đến khi hết thời gian. Theo quan niệm xã hội, đó được coi là một sự nghiệp thành công. Mọi người được chúc mừng vì nửa thế kỷ phục vụ trong cùng một tổ chức.
Vấn đề là thành công ban đầu đã cản trở thành công sau này, vốn có thể còn lớn hơn nữa.
Giáo sư tâm thần học Nassir Ghaemi kể, con gái ông vừa tốt nghiệp đại học. Theo những gì người cha có thể quan sát, con gái và những người bạn đồng trang lứa bị tê liệt trong cam kết học lên cao hơn hoặc một công việc nhất định vì nghĩ rằng họ phải quyết định xem sẽ làm gì "trong suốt phần đời còn lại của mình".
Họ không cần biết mình thực sự sẽ làm gì trong suốt quãng đời còn lại, mà theo Nassir, mọi người không nên nghĩ đến điều đó.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình chỉ nên thay đổi nếu mọi thứ không suôn sẻ hoặc đang thất bại. Nhưng điều chúng ta không nhận ra là chúng ta nên thay đổi ngay cả khi chúng ta thành công.
Tất nhiên, nếu bạn thành công với điều đã làm trong một hoặc hai thập kỷ, bạn có thể tiếp tục làm và sẽ có cùng mức độ thành công trong nhiều thập kỷ nữa. Nhưng nếu bạn sẵn sàng mạo hiểm một chút, sẽ mở ra cho mình những thành công vang dội hơn.
(Theo psychologytoday)