Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1-1-2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Hiện Bộ Y tế đang đề xuất tăng mức phụ cấp từ 40% lên 100% cho viên chức trực tiếp, thường xuyên làm chuyên môn y tế dự phòng. Viên chức làm việc ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh… sẽ được bổ sung mức hưởng phụ cấp ưu đãi nghề là 100%.
Thông tư 14/2022/TT-NHNN hướng dẫn xếp lương ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng. Theo đó, từ 1-1-2023, với ngạch kiểm soát viên cao cấp, bậc 1 có mức lương là 9.238.000 đồng, bậc 6 có mức lương là 11.920.000 đồng.
Với kiểm soát viên chính, bậc 1 có mức lương là 6.556.000 đồng, bậc 8 có mức lương là 10.102.200 đồng. Kiểm soát viên bậc 1 có mức lương là 3.486.600 đồng, bậc 9 có mức lương là 7.420.200 đồng.
Từ 1-1-2023, ngạch công chức chuyên ngành ngân hàng vẫn đang áp dụng mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/ tháng nên mức lương của đối tượng này được áp dụng như trên. Song từ 1-7-2023, khi lương cơ sở tăng thì lương của đối tượng này cũng sẽ điều chỉnh tăng theo.
Thông tư 14/2022/TT-NHNN hướng dẫn mới về xếp lương ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng
Nghị quyết về hệ số điều chỉnh tăng thu nhập 2023 của HĐND TP. HCM nêu rõ, từ 1-1-2023, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại TP. HCM có được hưởng hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.
Thời gian áp dụng hệ số này từ 1-1-2023 đến hết thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH 14.
Như vậy, lộ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm của TP. HCM áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2018 đến năm 2023 như sau: Năm 2022 hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm là 1,2 lần, Năm 2013 hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm là 1,8 lần.
Theo Quyết định 5692/QĐ-TLĐ năm 2022 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, có 2 loại phụ cấp dành cho cán bộ công đoàn là: Phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp kiêm nhiệm.
Phụ cấp trách nhiệm áp dụng cho cán bộ công đoàn các cấp gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên và công đoàn bộ phận - nếu có. Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra công đoàn cơ sở, Tổ trưởng, Tổ Phó công đoàn.
Công thức tính phụ cấp được quy định như sau: Với công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp Nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước).
Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, mức phụ cấp hằng tháng = (Hệ số phụ cấp trách nhiệm) x (Mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước).
Do mức lương cơ sở hiện là 1,49 triệu đồng/ tháng. Song từ 1-17-2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/ tháng.
Phụ cấp trách nhiệm của cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo công thức: Phụ cấp trách nhiệm hàng tháng = Hệ số phụ cấp trách nhiệm x mức lương cơ sở;
Phụ cấp trách nhiệm của cán bộ công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương được tính theo công thức phụ cấp = Hệ số x mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, phụ cấp kiêm nhiệm được áp dụng cho các chức danh sau hoạt động kiêm nhiệm: Chủ tịch công đoàn kiêm nhiệm: 10% mức lương và phụ cấp đang đóng bảo hiểm xã hội/tháng; Phó Chủ tịch công đoàn kiêm nhiệm: 7% mức lương và phụ cấp đang đóng bảo hiểm xã hội/ tháng.