Tình hình sản xuất chip được ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, đề cập trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sáng 14/4.
Theo ông Quang, chip bán dẫn là một trong những lĩnh vực được tập đoàn đầu tư phát triển gần 10 năm nay. Sau khi thành lập FPT Semiconductor vào tháng 3/2022, công ty đã thiết kế và sản xuất được ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip.
"Đơn hàng này đã qua giai đoạn nghiên cứu và phát triển, bắt đầu chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt từ tháng trước, sẽ hoàn thành và chuyển cho đối tác trong năm 2024, 2025", ông Quang cho biết. Ngoài ra, công ty cũng vừa nhận được đơn hàng hai triệu chip cho đối tác Nhật Bản, dự kiến xuất khẩu vào tháng 7 tới.
Trong năm nay, công ty sẽ cho ra mắt thêm 7 dòng chip mới. Năm tiếp theo, công ty sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT Platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, đeo tay, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.
Ông Quang cho biết công ty đã trải qua ba giai đoạn, gồm phát triển nguồn nhân lực bằng cách làm dự án với đối tác nước ngoài để có kinh nghiệm thực tế trên các công nghệ chip tiên tiến, từ 7 nm đến 2 nm; thiết kế giải pháp về chip để bán cho khách hàng; bước ba là làm sản phẩm "made in Vietnam, made by FPT".
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bán dẫn, FPT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tập trung phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, nhất là nguồn lực thiết kế chip. "Từ nay đến 2030, thế giới thiếu một triệu nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn", ông Quang nói, đánh giá sự thiếu hụt này diễn ra mạnh nhất ở các nước phát triển, nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam. Tập đoàn cũng đề xuất thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực lâu dài giống mô hình tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trước chia sẻ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tập đoàn đã đi đúng hướng và cần tiếp tục tập trung phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số, tận dụng hệ sinh thái hiện tại để thiết kế sản xuất chip và theo đó là đào tạo nguồn nhân lực.
"Qua những thăng trầm và đột phá, con đường đi theo phát triển công nghệ thông tin, thiết kế phát triển phần mềm, sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với FPT, phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn cảnh của đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với sự hội nhập quốc tế sâu rộng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và các bộ ban ngành, địa phương liên quan cùng nghiên cứu, đưa ra phương án để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngắn hạn và dài hạn. Ý tưởng thành lập Trung tâm kết nối các nguồn lực cũng được Thủ tướng đánh giá là "việc chắc chắn phải làm", đồng thời cần có những chính sách để kêu gọi đầu tư vào ngành chip của Việt Nam.
Đầu tháng 4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời xây dựng chương trình về sản xuất chip.
Các chuyên gia nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này. Trả lời VnExpress năm ngoái, ông Steve Long, Tổng giám đốc Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhận định: "Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip".
Trước đó, tháng 8/2022, Viettel cũng đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất được đưa trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.