Trong đó, thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng là hình thức phân phối từ ngày đầu tiên kinh doanh của Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott), đồng thời, cũng là hình thức phổ biến nhất. Đến cuối năm ngoái, doanh nghiệp sở hữu 6.000 thiết bị đầu cuối tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Kênh bán hàng này chiếm đến 85% tổng doanh thu của Vietlott.
Theo thống kê, TP HCM đang là nơi có nhiều điểm bán hàng nhất của Vietlott với trên 1.900 điểm bán. Tiếp sau là Hà Nội với hơn 1.100 điểm bán hàng. Nhiều địa phương như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng có hàng trăm điểm bán hàng để đáp ứng nhu cầu của người chơi.
Tại điểm bán hàng, người chơi sẽ nhận vé giấy được in từ thiết bị đầu cuối. Tấm vé được hệ thống phát hành có đầy đủ thông tin: tên sản phẩm xổ số tự chọn, bộ số dự thưởng, kỳ và ngày quay số mở thưởng, ngày và giờ bán vé, mã số của thiết bị đầu cuối in ra tấm vé, mã vạch và số định danh của vé.
Mỗi tấm vé sẽ có một mã vạch và số định danh riêng để phòng trừ trường hợp vé giả, vì khi nhập mã số định danh vé lên hệ thống sẽ hiện ra đầy đủ các thông tin của vé như thế nào, xác định có đúng vé trúng thưởng hay không. Mặt sau của tấm vé để ghi các thông tin của người chơi như họ tên, giấy tờ cá nhân. Đối với vé giấy, Vietlott chỉ trả thưởng khi người chơi có vé hợp lệ trên tay, cùng với giấy tờ cá nhân đúng với thông tin ghi ở mặt sau vé.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số ứng dụng đã sử dụng vé giấy in tại thiết bị đầu cuối để bán vé qua hình thức mua hộ. Các vé được đặt trên ứng dụng online và vé được trả về chỉ là hình ảnh tấm vé.
Điều này mang đến rủi ro cao cho người chơi khi hình thức bán xổ số online chưa được pháp luật cho phép. Nếu tấm vé đó trúng thưởng giải thưởng hàng chục, thậm chí, hàng trăm tỷ đồng, người chơi có thể đối mặt với rủi ro ứng dụng không trả vé hoặc biến mất.
Dạng mua hộ này hoàn toàn khác với kênh bán vé qua điện thoại thông qua tin nhắn SMS của Vietlott, được cơ quan quản lý cấp phép phát hành. Vé được phát hành qua kênh điện thoại dưới dạng tin nhắn sẽ được định danh theo đúng tài khoản tham gia dự thưởng đã đăng ký chính chủ.
Đây là hình thức phân phối vé được Vietlott ra mắt vào cuối năm 2020, hợp tác cùng ba nhà mạng là Viettel, VinaPhone và MobiFone.
Để mua vé qua kênh này, người chơi đăng ký thông tin cá nhân để tạo tài khoản tham gia dự thưởng. Sau đó, người mua soạn tin nhắn theo cú pháp, bắt đầu với mã sản phẩm xổ số, mã kỳ quay và dãy số dự thưởng muốn mua để gửi tới tổng đài 9969 của Vietlott. Vé sẽ được phát hành qua dạng tin nhắn với đầy đủ thông tin định danh như vé giấy. Điểm khác biệt của hai hình thức này ở chỗ vé giấy có mã số của thiết bị đầu cuối in vé còn vé tin nhắn sẽ ghi tài khoản dự thưởng là số điện thoại bạn đã đăng ký.
Bộ số tham gia dự thưởng của kênh điện thoại được trực tiếp xuất ra từ hệ thống bán vé và định danh chính thức vào tài khoản dự thưởng của từng khách hàng. Do đó, người chơi yên tâm khi mua vé qua kênh điện thoại bởi vé được định danh chính chủ. Khi vé của bạn trúng thưởng, Vietlott sẽ căn cứ thông tin bạn đã đăng ký để tiến hành trả thưởng.
Đồng thời, để hỗ trợ người chơi tiện lợi hơn khi mua vé, Vietlott còn có ứng dụng hỗ trợ Vietlott SMS. Sau khi tải ứng dụng này, người chơi chỉ cần nhập số điện thoại và gửi ảnh căn cước công dân để kích hoạt tài khoản. Ứng dụng hỗ trợ người chơi quản lý tài khoản mua vé Vietlott, lưu bộ số yêu thích và mua vé nhanh chóng. Thay vì người chơi phải nhập từng ký tự, bộ số, ứng dụng sẽ tự động khởi tạo một tin nhắn SMS mua vé sau khi khách hàng thao tác chọn xong sản phẩm, kỳ quay, bộ số dự thưởng.
Đến tháng 7, kênh điện thoại của Vietlott đã có tài khoản dự thưởng thứ một triệu. Theo thống kê của Vietlott, khoảng 3,8 triệu vé đã trúng thưởng qua kênh bán hàng này với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Sau hơn 7 năm kể từ ngày Vietlott phát hành tấm vé số đầu tiên, trên 400 người chơi đã trở thành chủ nhân của các giải thưởng Jackpot giá trị từ hàng tỷ tới hàng trăm tỷ đồng. Luỹ kế từ năm 2016 đến nay, Vietlott đã chi khoảng 18.000 để trả thưởng cho khách hàng.