Bất động sản

CEO bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ, nhà đầu tư cần làm gì để lấy lại tiền?

Thông tin bà Vũ Thị Thúy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty BĐS Nhật Nam) bị tạm giữ vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều nhà đầu tư trót rót vốn vào doanh nghiệp này vốn lo lắng nay càng hoang mang cho tài sản của mình hơn. Ở góc độ pháp lý, đánh giá của các luật sư cũng cho thấy khả năng lấy lại tiền của họ là rất khó khăn.

CEO bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ, nhà đầu tư cần làm gì để lấy lại tiền? - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thúy đang bị công an tạm giữ. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm nhận định, muốn sớm lấy được tiền, các nhà đầu tư cần nhanh chóng tập hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ về vụ việc cho cơ quan chức năng. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, vừa giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc củng cố hồ sơ điều tra. Dù vậy, thời gian lấy lại được số tiền đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vị luật sư nhấn mạnh, nguy cơ và rủi ro của các nhà đầu tư hiện hữu quá rõ trước việc bà Vũ Thị Thúy đang bị tam giữ vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “ Ở thời điểm này, nhà đầu tư cần tập hợp các tài liệu (những giấy tờ hợp đồng ký kết với phía Nhật Nam trước đó) để cung cấp cho cơ quan chức năng. Họ cũng cần trao đổi thẳng thắn, thành thật, không che giấu thông tin mà công khai, minh bạch để từ đó công tác điều tra của cơ quan chức năng được tiến hành thuận lợi hơn. Tránh trường hợp chậm cung cấp thông tin, thậm chí né tránh thì nguy cơ khách hàng rơi vào tình huống “trâu chậm uống nước đục”, lúc đó, cơ hội lấy lại tiền đầu tư đã khó khăn sẽ chồng thêm khó khăn ”, LS Trương Anh Tú khuyến cáo.

Theo Chủ tịch TAT Lawfirm, hình thức hoạt động của Nhật Nam chẳng khác gì việc huy động vốn đa cấp bất động sản. " Các nhà đầu tư cần hiểu rằng, càng lãi suất cao càng dễ bị sập bẫy, nguy cơ rủi ro càng lớn. Hoạt động gọi vốn trước đó của bất động sản Nhật Nam rõ ràng có nhiều dấu hiệu bất thường. Trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều khó khăn, việc một doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất 34 - 46%/năm, thậm chí 70 - 80%/năm là không tưởng, bất thường" , ông Tú nói thêm.

Trước đó, nhiều ý kiến cũng từng cảnh báo, mục đích sử dụng vốn huy động của Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư thì sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Cũng bàn luận về vấn đề này, luật sư Trần Đình Thắng, Công ty Luật KoCi, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam đang đối diện với rất nhiều nguy cơ.

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của bà Vũ Thị Thúy để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.

Theo thông tin điều tra ban đầu, Công ty Nhật Nam có thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng giao dịch tại các tỉnh, thành trên cả nước, lôi kéo nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận cao trung bình từ 46% thậm chí có những cam kết lên tới 70-80% trên một năm. Nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Việc huy động vốn như thế tiềm ẩn nhiều rủi ro, dưới vỏ bọc của giao dịch là “Hợp đồng hợp tác kinh doanh”. Hình thức mà Nhật Nam thực hiện tương tự như Công ty Alibaba của Nguyễn Thái Luyện trước đó đã bị điều tra, truy tố và xét xử bằng bản án nghiêm khắc.

Sau khi các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản, phong tỏa giao dịch dân sự, kinh tế liên quan đến cá nhân, tổ chức để đảm bảo thi hành án sau này nên hoạt động kinh doanh của Nhật Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ của vụ án để xác định số tiền thiệt hại của từng người và trách nhiệm của CEO Nhật Nam đối với việc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại. Nhưng người bị hại sẽ có ít cơ hội lấy lại tiền mà mình đã bỏ ra vì thường thì các công ty thực hiện hành vi như vậy là cách huy động tiền của người sau trả cho người trước và dùng vào các khoản chi tiêu khác hoặc tẩu tán các khoản huy động đó nên khi bị bắt thì các khoản tiền huy động gần như không còn hoặc còn lại rất ít.

CEO bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ, nhà đầu tư cần làm gì để lấy lại tiền? - Ảnh 2.

Một trụ sở của Công ty bất động sản Nhật Nam.

Khả năng lấy tiền nhanh đối với các nhà đầu tư hiện nay cũng sẽ rất khó.Trường hợp đã khởi tố phong tỏa thì sau này tòa án sẽ  quyết định việc trả tiền cho bị hại. Điều này cũng sẽ được thể hiện tại bản án có hiệu lực. Lúc đó cơ quan thi hành án mới thi hành bản án cụ thể. Còn hiện nay, khoản tiền các nhà đầu tư đã chuyển cho Nhật Nam tạm thời chưa xác định được cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy, cơ quan tố tụng sẽ phong tỏa toàn bộ các tài sản liên quan của Nhật Nam để đảm bảo không bị tẩu tán. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng cho đến khi tòa án có bản án hiệu lực pháp luật. Từ thời điểm này đến khi tòa án có phán quyết cuối cùng thì các nhà đầu tư sẽ phải cung cấp các tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, những thiệt hại về thời gian, công sức kèm theo các rủi ro khác là điều không thể tránh khỏi đối với những nhà đầu tư đã trót rót vốn vào các dự án của bất động sản Nhật Nam ", Luật sư Thắng phân tích.

Ngày 7/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội vừa tạm giữ bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (bất động sản Nhật Nam) vì có hành vi đưa thông tin sai sự thật về Công ty Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên. Từ đó, bà Thúy chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Trước khi CEO Vũ Thị Thúy bị tạm giữ, cơ quan công an, các địa phương cũng như nhiều cơ quan báo chí từng cảnh báo về Công ty Bất động sản Nhật Nam từ nhiều năm trước.

Theo đó, từ năm 2019 - 2022, Công ty Nhật Nam đã đưa ra mức lợi nhuận từ 34 - 46%/năm, thậm chí ở nhiều dự án, mức lãi suất là 70-80%. Ngoài ra doanh nghiệp này còn khuyến mãi tặng thêm vàng, tặng thêm đất nếu ai bỏ tiền đầu tư, phân chia lợi nhuận theo ngày. Vì vậy, hàng chục nghìn người trên khắp cả nước ào ạt đầu tư “mong làm giàu” cùng Công ty Nhật Nam.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm