Dự án Izumi của Nam Long. (Nguồn: izumicitydongnai.vn).
Kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) dần tích cực hơn về quý cuối năm khi doanh thu thuần đạt 1.636 tỷ đồng và lãi ròng gần 290 tỷ đồng, tăng nhẹ về doanh thu và giảm 34% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu này tương đương với kết quả kinh doanh của ba quý đầu năm cộng lại.
BCTC hợp nhất vừa được công bố cho thấy, cả năm 2023 Nam Long đạt 3.181 tỷ đồng doanh thu thuần (chủ yếu từ dự án Izumi, Southgate) và 484 tỷ đồng lãi ròng (có hơn 418 tỷ đồng lãi từ được phân bổ từ công ty liên doanh, liên kết hợp tác phát triển dự án).
So với cùng kỳ, kết quả kinh doanh năm 2023 của Nam Long lần lượt giảm 26,7% về doanh thu và giảm 13% về lợi nhuận. So với kế hoạch, Nam Long thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo chia sẻ từ ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Nam Long, tốc độ bán hàng rất chậm trong bối cảnh thị trường chung hụt thanh khoản kể từ quý cuối năm 2022, thậm chí công ty gần như không bán được hàng trong hai quý và doanh số trong ba tháng đầu năm 2023 rất thấp với khoảng 200 tỷ đồng cho tất cả các phân khúc đất nền, căn hộ, nhà liền thổ.
Tình hình bán hàng cũng như kết quả kinh doanh của công ty bắt đầu khởi sắc kể từ quý III, khi các công cụ, chính sách điều tiết thị trường dần đi vào thực tế, lãi suất hạ nhiệt hơn. Tỷ lệ hấp thụ giỏ hàng của cả năm đạt khoảng 50%, tập trung vào những sản phẩm 1 - 2 phòng ngủ có giá bán dưới 3,5 tỷ đồng mỗi căn.
Nhìn vào bức tranh chung và chu kỳ phát triển trong 8 năm qua, số liệu về doanh thu trong năm 2023 của Nam Long chỉ thấp hơn thời kỳ thị trường bất động sản phát triển nóng 2020 - 2021, bởi công ty chủ tập trung vào những sản phẩm thị trường cần, có giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người mua, cộng thêm những chính sách mà công ty đã điều chỉnh lại để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khó khăn.
Thị trường xấu đi cùng với triển vọng kinh doanh kém khả quan đã được ban lãnh đạo Nam Long dự báo từ đầu năm 2023. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, khi đó nhìn nhận: “Khó khăn 2022 - 2023 chưa dừng lại và còn tiếp diễn đến 2024 - 2025”.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty cho thấy, Nam Long đã duy trì dòng tiền kinh doanh âm hai năm liên tục với 2.186 tỷ đồng vào cuối năm 2023, bao gồm tăng mạnh tồn kho và tăng chi trả lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, công ty đang ghi nhận tồn kho trên 17.348 tỷ đồng là giá trị dở dang tại 14 dự án, tăng 17% so với đầu năm và chiếm 60,7% tổng giá trị tài sản. Các dự án có giá trị lớn gồm Izumi (8.551 tỷ), Waterpoint - giai đoạn 1 (3.560 tỷ), Akri - Hoàng Nam (1.667 tỷ, gấp 4 lần đầu năm), Waterpoint - giai đoạn 2 (1.604 tỷ), dự án Cần Thơ (1.281 tỷ, gấp 2,5 lần đầu năm)…
Trong năm, Nam Long đã trả gần 500 tỷ đồng tiền lãi vay và 3.251 tỷ đồng nợ gốc (hơn 2.800 tỷ nợ vay và 449 tỷ đồng nợ trái phiếu). Ngược lại, Nam Long vay mới 4.169 tỷ đồng, bao gồm một lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vay vào thời điểm cuối năm được ghi nhận trên 6.100 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngân hàng chiếm tỷ trọng 51%, còn lại là trái phiếu dài hạn.
Phần lớn các khoản vay tín dụng của Nam Long có lãi suất dao động 6,3 - 8,7%/năm đối với tổ chức tín dụng trong nước và 4,4 - 7%/năm đối với ngân hàng ngoại và tất cả đều có tài sản bảo đảm.