Cơ quan hải quan Hàn Quốc phát hiện các mẫu chip cao cấp sử dụng công nghệ Mỹ đã được vận chuyển từ Mỹ và tập kết ở Hàn Quốc nhằm đưa sang quốc gia tỷ dân. Hoạt động buôn lậu này lớn đến mức việc chịu trách nhiệm là một doanh nghiệp, được gọi là "Công ty A", thay vì một cá nhân đứng sau. BusinessKorea cho biết tất cả giám đốc của công ty này đã bị bắt.
Theo các công tố viên, từ tháng 8/2020 đến 8/2023, "Công ty A" đã mua chip do Mỹ sản xuất hoặc có chứa công nghệ Mỹ, sau đó nhập khẩu chúng một cách hợp pháp vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều trong số này sau đó được vận chuyển bằng đường hàng không đến Trung Quốc, tổng cộng 144 chuyến cho đến khi bị phát hiện. Để tránh bị nghi ngờ, "Công ty A" vẫn viết hóa đơn cho một số đơn hàng nhằm đảm bảo họ vẫn là doanh nghiệp hợp pháp. Tuy nhiên, họ thường đặt hàng quá số lượng chip để vận chuyển lậu.
Theo Tom's Hardware, với 53.000 chip trị giá gần 12 triệu USD, đây là hoạt động buôn lậu lớn nhất từng bị triệt phá xét cả về giá trị và số lượng. Phi vụ lớn nhất được ghi nhận trước đó là vào tháng 3/2023, khi lượng chip trị giá bốn triệu USD nhập lậu từ thành phố Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Mỹ đã đưa ra nhiều lệnh cấm liên quan đến bán dẫn với Trung Quốc. Trong đó, Washington đã cấm các mẫu chip chuyển đổi tín hiệu analog sang tín hiệu số vì lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng chúng cho các mục đích quân sự, thậm chí là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Số chip "Công ty A" nhập lậu vào Trung Quốc được cho thuộc loại này.
Cuối năm ngoái, Mỹ cũng điều tra hình sự đối với công ty bán dẫn Applied Materials do "lách luật" bán công cụ cho SMIC - công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - mà không xin giấy phép. Theo Reuters, Applied Materials đã vận chuyển thiết bị chip từ nhà máy ở Gloucester đến một công ty con ở Hàn Quốc trước khi giao số hàng này cho SMIC. Việc vận chuyển được thực hiện từ tháng 12/2020 sau khi Mỹ đưa SMIC vào danh sách thực thể.
Thời gian qua, Mỹ liên tục hạn chế các công ty trong nước, cũng như các doanh nghiệp đang dùng công nghệ Mỹ trong việc bán chip và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Đầu năm ngoái, Bộ Tư pháp và Bộ Thương mại Mỹ thành lập một lực lượng đặc biệt, chuyên điều tra các hành vi vi phạm về kiểm soát xuất khẩu.