Ngày 29/8, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) cho biết đã thanh toán 100 tỷ đồng tiền nợ gốc của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Lô trái phiếu này được phát hành ngày 30/12/2016, kỳ hạn 10 năm, trả lãi ba tháng/lần, lãi suất phát hành là 9,7%/năm.
Tổng giá trị theo mệnh giá phát hành của lô này là 6.596 tỷ đồng. Giá trị lưu hành tính đến cuối quý II là 4.248 tỷ đồng. Mục đích phát hành của lô trái phiếu này là để cơ cấu lại các khoản nợ gốc và lãi phát sinh từ các khoản nợ của công ty tại BIDV.
Tính đến hết ngày 30/6, HAGL cho biết số tiền lãi chậm thanh toán của lô trái phiếu này là hơn 3.349 tỷ đồng và tổng số tiền gốc chậm thanh toán là 1.015 tỷ đồng.
HAGL thông tin thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại là quý III năm nay.
Lý do chậm thanh toán được công ty đưa ra là do chưa thu được nguồn tiền từ khoản nợ của nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) - hiện đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.
Mới đây, HAGL đã công bố BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt gần 478 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 957 tỷ đồng, đây cũng là phần kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo soát xét. Cùng với đó là khoản nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 350 tỷ đồng.
“Đồng thời, công ty cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng trái phiếu, chưa thanh toán các khoản nợ gốc và lãi của các khoản vay trái phiếu đến hạn thanh toán. Những điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp”, đơn vị kiểm toán viết trong báo cáo.
Đơn vị kiểm toán cho HAGL là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Theo giải trình của HAGL, tại ngày lập BCTC hợp nhất bán niên 2024, công ty đã lập kể hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp theo, bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền hoạt động tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản vi phạm, đồng thời đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn.
oạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024.