Quá trình phê duyệt cắt giảm thuế tiêu thụ dầu diesel tại Thái Lan kéo dài hai tháng và chính thức thông qua ngày 17/5. Chính sách mới giúp chính phủ nước này tránh "cơn bão hoàn hảo" trong kinh tế, đề cập đến những tác động tổng hợp của việc trợ cấp giá dầu diesel hạn chế và thời điểm kết thúc đợt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với động cơ diesel dự kiến vào ngày 20/5.
Chính phủ Thái Lan trước đó đã đồng ý giảm một nửa thuế, thường được đánh ở mức 5,99 baht (khoảng 4.000 đồng) một lít, trong ba tháng để giới hạn giá dầu diesel dưới 30 baht (khoảng 20.000 đồng) một lít. Tuy nhiên việc tiền mặt trong Quỹ Nhiên liệu dầu ngày càng giảm, các nhà chức trách quyết định giảm trợ cấp từ ngày 1/5 khiến giá dầu diesel tăng lại. Nếu không gia hạn giảm thuế, giá dự kiến tiếp tục tăng.
Thongyoo Kongkhan, Chủ tịch cố vấn của LTFT cho biết sẽ có sự chậm trễ trong việc gia tăng chi phí hậu cần và vận tải, ít nhất là trong ngắn hạn. Việc cắt giảm thuế tiêu thụ với dầu cũng được dự đoán góp phần làm chậm sự gia tăng chi phí sản xuất.
Theo ông, thông thường giá dầu diesel tăng một baht có thể khiến chi phí sản xuất tăng 3%. LTFT kỳ vọng Bộ Thương mại giám sát chặt chẽ giá sản phẩm sau báo cáo rằng một số công ty đã tăng giá trước khi nội các công bố nghị quyết ngày 17/5.
Chi phí sản xuất và giá dầu tăng là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các biểu phí dịch vụ logistics, vận tải. Cùng với giá thành một số sản phẩm có dấu hiệu gia tăng thời gian qua, một số doanh nghiệp logistics ở cả Thái Lan và trên thế giới đều đau đầu khi phải điều chỉnh phí vận chuyển sao cho hợp lý mà vẫn giữ chân được khách hàng.
Thêm vào đó là sự gián đoạn logistics từ các sự kiện toàn cầu như xung đột Nga - Ukraine hay việc Trung Quốc kiên quyết theo đuổi "zero Covid". Chuỗi cung ứng toàn cầu vừa phục hồi chưa lâu sau những tác động từ dịch bệnh nay lại lần nữa có nguy cơ trì hoãn.
Riêng với Thái Lan, việc giảm đánh thuế tiêu thụ lên dầu diesel sẽ giúp logistics nước này nhẹ gánh. Tránh tình trạng giá xăng dầu biến động ảnh hưởng đến biểu phí vận chuyển và tác động lên những lĩnh vực liên quan.
"Chi phí sản xuất không nên tăng sau khi chính phủ quyết định tiếp tục áp dụng giảm thuế. Giá nhiều sản phẩm được báo cáo đã tăng và những sản phẩm khác cũng đang có dấu hiệu tăng theo. Chính phủ cần hành động và giải quyết việc này, bao gồm cả tìm cách giảm giá các mặt hàng biến động do giá dầu", ông Thongyoo chia sẻ.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch cũng nói thêm rằng việc cắt giảm thuế có thể tạo nên một số tác động đến thu ngân sách nhà nước, khiến chính phủ phải vay nợ nhiều hơn. Ông cũng thúc giục nhà nước, hy vọng họ sớm thực hiện các biện pháp dài hạn mới ngoài trợ giá và cắt giảm thuế.
(Theo Bangkok Post)