Chủ đề "Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" trên Báo NLĐ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo độc giả Báo Người Lao Động. các loại hình kinh tế. Nhiều bạn đọc cho rằng cơ quan soạn thảo luật cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề để từ đó bổ sung, hoàn chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn cuộc sống người lao động..
Bạn đọc Trần Tâm đặt câu hỏi: "Tại sao khu vực công, lương hưu lại tính vài năm cuối mà khu vực ngoài lại cộng tất tần tật mấy chục năm...?". Tương tự, bạn đọc Phạm Phúc cũng bày tỏ: "Người lao động khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước có gì khác nhau không mà khu vực Nhà nước thì được tính bình quân 5 năm cuối đóng BHXH?". Từ sự bất bình đẳng này, bạn đọc Hoàng Tuấn đề nghị khi sửa Luật BHXH cần phải đảm bảo công bằng giữa các khu vực này. Nếu đã tính mức lương bình quân những năm cuối đóng BHXH thì phải tính đều cả 2 khối, không nên có sự phân biệt. Tiếp theo là cần điều chỉnh lại bảng hệ số trượt giá vốn không còn phù hợp, không có lợi cho người tham gia BHXH. Giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động và cuối cùng là người lao động tham gia BHXH nhiều năm thì lương hưu phải cao.
Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Cơ quan BHXH cần nhìn thẳng vào thực trạng ồ ạt rút BHXH để điều chỉnh lại chính sách. Việc trong những năm gần đây việc cơ quan bảo hiểm liên tục điều chỉnh để giảm quyền lợi hưởng của người lao động khiến mọi người bất an. việc điều chỉnh tăng tuổi chỉ thực hiện được với đối tượng hưởng lương đóng BHXH từ ngân sách Nhà nước chứ hiện trạng các doanh nghiệp việc nợ đóng BHXH diễn ra ở nhiều nơi, gánh chịu hậu quả là người lao động mà không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ. Còn theo bạn đọc Nguyễn Hữu Vinh, BHXH là quyền lợi của người lao động không phải quyền lợi của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào khác. Vì vậy hãy tính sao để người tham gia BHXH được hưởng quyền lợi tốt nhất.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, bạn đọc Phương Lan đề nghị: Báo Người Lao Động nên mở trang thăm dò ý kiến bạn đọc để có cơ sở khách quan và đề nghị Quốc hội lắng nghe ý kiến người dân để điều chỉnh cho phù hợp về tuổi đời, thời gian và % mức hưởng lương hưu. Đồng quan điển, bạn đọc Trần Thiện Nhân bày tỏ: "Nói thật các bác nghiên cứu chính sách nên lắng nghe tâm tư và nguyện vọng người lao động, không đi sát thực tế thì làm sao chính sách tốt và mang quyền lợi cho NLĐ được".
Bạn đọc Lương Hồng Tâm cũng rất đồng thuận với cách đặt vấn đề về hiện trạng rút BHXH một lần và đề nghị phải rút ngắn tuổi nghỉ hưu. "Có thể căn cứ số năm đóng BHXH, nếu đủ (nam : 30 năm, nữ 25 năm) là được nghỉ hưu và nhận đủ 100% (của 75%) lương hưu" – bạn đọc Hồng Tâm đề xuất. Bạn đọc Nguyễn Tiến Hùng quả quyết: "Giảm tuổi nghỉ hưu ngay và luôn thì mới có cơ hội khuyến khích người lao động tham gia BHXH". Tương tự, bạn đọc Trần Minh Phú bày tỏ: "Chỉ cần hạ tuổi nghỉ hưu là không có chuyện rút BHXH một lần".
Theo bạn đọc Nguyễn Thị Thu, chỉ cần tăng quyền lợi cho người tham gia, giảm tuổi nghỉ hưu và giảm số năm đóng bảo hiểm thì không ai đi rút 1 lần. Thực tế, ở các doanh nghiệp lao động ngoài 40 tuổi đã bị coi là già và cho thải rồi, bảo hiểm thì cứng nhắc 62 tuổi mới cho nghỉ hưu, trong khi đó doanh nghiệp lại muốn thải hồi, người lao động đứng giữa ngã 3 đường. Sửa chính sách rất đơn giản, dịch vụ bảo hiểm tốt sẽ có nhiều người tham gia.
Khó chờ đến lúc nhận lương hưu
"Tôi đang làm cho 1 doanh nghiệp được hơn 10 năm, công việc càng ngày càng áp lực, nếu phải nghỉ việc tôi cũng phải rút BHXH, vì tuổi tôi cũng gần 50 rồi. Nếu theo vài năm thì được, chứ còn đợi 58 tuổi chắc tôi và nhiều người như tôi cũng được về với ông bà rồi, bảo hiểm hãy nghĩ cho người lao động chân tay" - bạn đọc Phạm Ngọc Thành nói.