Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội vừa qua, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng yêu cầu cơ quan chức năng thành phố phải làm “sống lại” các dòng sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy . Chủ trương đã đúng, quyết tâm đã có, nhưng với hiện trạng mỗi ngày hàng trăm nghìn mét khối nước thải sinh hoạt đổ ra các dòng sông, nhiệm vụ này không phải đơn giản và có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai.
Tưới rau bằng… nước thải
Trạm bơm Lán Than (tên gọi khác là Trạm bơm Đồng Tó) được xây dựng gần khu vực ngã ba sông Tô Lịch – sông Nhuệ thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Trạm bơm trước đây làm nhiệm vụ bơm nước từ sông Tô Lịch qua kênh dẫn ra cánh đồng xã Tả Thanh Oai, phục vụ cấy trồng cho người dân, nhưng nhiều năm nay không còn hoạt động. Quan sát của phóng viên cho thấy, phần ống nối với bơm giáp mặt sông Tô Lịch bị thủng một khoảng lớn vì bị han gỉ. Phần vòi bơm cũng hư hỏng. Hệ thống kênh dẫn qua nhiều năm không sử dụng, nơi bị lấp, nơi đọng nước thải hôi thối nồng nặc, ngập rác thải.
Theo hướng kênh dẫn nước của Trạm bơm, phóng viên Tiền Phong tìm về phía cánh đồng xã Tả Thanh Oai. Một bên kênh là khu dân cư, một bên là vài khoảnh rau muống. Một phụ nữ bán hàng nước ngay cạnh kênh nước thải chia sẻ, lâu nay, người dân canh tác rau muống chỉ chờ mưa xuống, hoặc nước từ kênh dẫn nước thải chảy ra làm nước tưới, vì không bơm được nước từ sông Tô Lịch lên.
Theo nhiều người dân ở đây, khi sông Tô Lịch còn chưa bị ô nhiễm, nước từ sông Tô Lịch qua trạm bơm, chảy qua kênh tiêu, dẫn thẳng vào cánh đồng. “Người dân giờ bỏ ruộng, để cỏ mọc nhiều. Làm gì có nước mà trồng cấy”, một người dân chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều thửa ruộng ở cánh đồng để hoang hoá, cỏ dại mọc, một số được cải tạo đất để trồng rau. Bên cạnh, một kênh dẫn nước nhỏ đen kịt, bốc mùi hôi.
Chia sẻ thêm với phóng viên, người dân sinh sống cạnh kênh này cho biết, nước sạch không còn, người dân muốn lấy nước tưới rau phải chặn kênh lại cho nước “dềnh” lên chảy vào ruộng. “Ở chợ cứ nói bán rau sạch, nhưng rau sạch trồng như thế đấy”, một người dân thẳng thắn.
Nếu đi một vòng Hà Nội, đặc biệt ven các con sông, sẽ không khó để gặp những “xóm nước đen” như ở xã Tả Thanh Oai. Giáp đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần với Công viên Hoà Bình, dòng nước đen chảy từ sông Cầu Đá, luồn lách qua các khu dân cư rồi đổ ra sông Nhuệ.
Nhiều năm nay, người dân sinh sống quanh sông Cầu Đá đã không biết bao lần kiến nghị, nêu ý kiến, đề nghị xử lý, nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa thay đổi gì. Chia sẻ với phóng viên, người dân quanh khu vực cho biết, nhiều năm trước, nước sông vẫn bình thường, người dân vẫn lấy nước canh tác khu vực cánh đồng. Cùng với quá trình đô thị hoá, nước thải đổ ra sông ngày càng nhiều, thành ra, nước sông càng thêm ô nhiễm.
Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên Tiền Phong ngược dòng chảy sông Cầu Đá, đi về phía cánh đồng. Vài người dân trồng rau, tưới bằng nước sông Cầu Đá. “Ngày xưa dùng phân để tưới rau, giờ nước đen như nước phân, tưới rau cũng tốt”, một người dân nửa đùa, nửa thật nói với phóng viên.
Vì sao những dòng sông chết?
Hà Nội vốn nổi tiếng bởi những dòng sông đã đi vào thơ ca. Những địa danh như sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch đã quen thuộc với bao thế hệ người dân. Nhưng hiện nay, hình ảnh các dòng sông này là một sự hãi hùng. Đen kịt, hôi thối, ô nhiễm.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, dọc sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét , có hàng chục cống thoát nước vẫn hàng ngày, hàng giờ đổ nước thải ra sông.
Như sông Cầu Đá, bắt nguồn từ hồ Tây, chảy qua nhiều địa bàn khu dân cư rồi đổ ra sông Nhuệ. Mới đây, theo thông tin giám sát của HĐND thành phố, Khu đô thị Tây hồ Tây chưa có trạm xử lý nước thải, vì thế, lượng nước thải của hàng chục nghìn người sinh sống ở đây đổ thẳng ra sông Cầu Đá, qua đó, chảy ra sông Nhuệ.
Hay như khu vực Tả Thanh Oai, nơi gần ngã ba sông Tô Lịch, sông Nhuệ, có Khu đô thị Đại Thanh, rộng tới 17ha, được lực lượng chức năng Hà Nội chỉ ra toàn bộ nước thải đổ thẳng ra sông.
Người dân huyện Gia Lâm cũng đã nhiều lần nêu kiến nghị về thực trạng ô nhiễm ở các tuyến sông Bắc Hưng Hải, Cầu Bây. Với sông Thiên Đức (sông Giàng), chảy qua địa bàn các xã Đặng Xá, Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang, người dân cũng nhiều lần kiến nghị về cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đất bùn bồi đắp ảnh hưởng đến tiêu thoát nước, thậm chí nước chảy ngược vào ruộng của người dân. Dọc các con sông ở Hà Nội là hàng chục khu đô thị, hàng triệu người dân, nhiều nơi, nước thải chảy thẳng ra sông, chưa kể nước thải từ các hộ gia đình đơn lẻ.
Theo báo cáo của đơn vị chuyên môn thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất của các nhà máy, trạm xử lý nước thải đang hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố đến năm 2020 (60%) theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong , một số chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch, đô thị cho rằng, muốn xử lý ô nhiễm cho các con sông ở Hà Nội , về lâu dài phải thực hiện tách nước mưa và nước thải riêng, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải dọc các con sông, không để nước thải chưa qua xử lý chảy xuống sông. Hà Nội đã có định hướng, nghiên cứu, quy hoạch, nhưng nguồn lực thực hiện còn nhiều khó khăn.
Hiện nay nước thải sinh hoạt vẫn chảy thẳng xuống các con sông như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Tích. Phải nghiên cứu để tách nước thải này thành hệ thống riêng, thu gom xử lý. Quan trọng hơn, cần phải xử lý nghiêm các trường hợp các khu đô thị không hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải, mà xả thẳng vào các sông, hồ của Hà Nội, làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm.