Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ suy giảm trong năm 2023 do nhiều yếu tố.
Thú nhất, triển vọng xuất khẩu kém ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Báo cáo cho biết khu vực FDI chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 19% GDP (số liệu năm 2021).
Khu vực FDI bình quân đóng góp 1,8 điểm % vào tăng trưởng kinh tế 2015-19. Ngoài ra, năm 2022, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khu vực FDI trực tiếp và gián tiếp tạo ra việc làm cho khoảng 12 triệu lao động (24% tổng lao động có việc làm của nền kinh tế, theo số liệu năm 2021).
Yếu tố thứ hai, VDSC cho rằng chu kỳ đi xuống của bất động sản sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Năm 2022, lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 3,7% GDP, bình quân đóng góp vào 0,2 điểm % vào tăng trưởng kinh tế trong 2015-19.
Tuy nhiên, bất động sản là một ngành có tính lan toả rộng với hệ số lan toả cao. Những ngành nghề có liên quan trực tiếp nhiều nhất với bất động sản gồm xây dựng (6,6% GDP) và tài chính – ngân hàng (5,4% GDP).
Thứ ba, niềm tin tiêu dùng, đầu tư vừa mới phục hồi sau COVID-19 sẽ suy yếu trở lại. Khó khăn của thị trường bất động sản sẽ kéo giảm niềm tin tiêu dùng, đặc biệt là đối với tiêu dùng hàng lâu bền và hàng hoá không thiết yếu. Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng kèm theo rủi ro ở các kênh đầu tư khác khiến cho nhu cầu tiết kiệm tăng lên. Chi phí vay cao hơn cũng giảm động lực vay tiêu dùng và đầu tư mới.
Báo cáo cũng đề cập đến các yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng. Đầu tiên là GDP toàn cầu dự kiến tăng 2,1% trong năm 2023, với các nước khu vực châu Á là động lực tăng trưởng chính. Khu vực này (bao gồm Trung Quốc) chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam dự kiến sẽ không suy thoái hoặc chỉ suy thoái nhẹ trong năm 2023 trong kịch bản cơ sở.
Theo VDSC, lạm phát trong tầm kiểm soát là yếu tố hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa, tăng lương cơ bản được thực hiện vào tháng 7/2023 dự kiến sẽ không tác động nhiều đến lạm phát nhưng có thể hỗ trợ một phần cho tiêu dùng trong nửa cuối năm.
Kinh tế năm 2023 còn có thể được hỗ trợ nhờ sự chuyển biến tích cực trong chính sách. Thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát và thứ hai là sự cải thiện trong tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về rủi ro, các chuyên gia tại đây đề cập đến suy thoái kinh tế toàn cầu có thể nghiêm trọng hơn; biến động giá năng lượng và hàng hoá ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài, giải pháp nới lỏng kém hiệu quả trong khi đầu tư công không cải thiện như kỳ vọng.
Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,6%, thấp hơn mục tiêu 6,5% của Chính phủ và dự báo chung hiện tại là 6,2%.
Kịch bản bi quan – lạc quan đối với tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt là 5,1% - 6%. Khối phân tích cũng cho rằng quý I năm nay vẫn còn hiệu ứng mức nền thấp của cùng kỳ, tăng trưởng sẽ suy giảm mạnh hơn trong quý II, quý III và phục hồi trở lại trong quý IV nhờ sự điều hướng trong chính sách.