Sức khỏe

Hà Nội kiểm tra, rà soát nhân viên y tế bán sữa giả, thực phẩm chức năng

Tóm tắt:
  • Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện rà soát việc tư vấn sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng.
  • Cần kiểm tra các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra phát hiện.
  • Các bệnh viện phải kiểm soát quảng cáo, tiếp thị liên quan đến sản phẩm không phải thuốc.
  • Kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm an toàn cho người bệnh.
  • Cục An toàn thực phẩm yêu cầu chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng từ nhân viên y tế.

Với việc sử dụng sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đơn vị cần kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra phát hiện), thực phẩm chức năng cho người bệnh, người nhà người bệnh.

 - Ảnh 1.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa, đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đó là một trong các nội dung vừa được lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu với các bệnh viện nêu tại công văn chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Yêu cầu được đưa ra sau khi cơ quan điều tra phát hiện đường dây sản xuất, kinh doanh sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả.

Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải kiểm tra, giám sát việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.

Với kê đơn thuốc, các đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối chiếu danh mục thuốc và các thuốc được sử dụng; giám sát việc kê đơn thuốc và chỉ định dùng thuốc; giám sát việc tuân thủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật tại các khoa phòng.

Đồng thời, tăng cường sự tham gia của hội đồng thuốc và điều trị đối với việc kê đơn, chỉ định, sử dụng thuốc cho người bệnh, bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ nghiêm các quy định; bảo đảm quyền lợi, an toàn của người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh kê đơn sử dụng thuốc phải phù hợp với chẩn đoán, tình trạng bệnh, sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả cho người bệnh; giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) và triển khai hoạt động quản lý tương tác thuốc, với sự tham gia hiệu quả của đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn, giám sát kê đơn trong bệnh viện.

"Tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh", đại diện Sở Y tế Hà Nội khẳng định.

Trước đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các bệnh viện, các cơ sở y tế chấn chỉnh việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Cơ quan này cho rằng, việc bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng là vi phạm quy định của pháp luật.

"Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng là vi phạm quy định hiện hành. Cục An toàn thực phẩm đang tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các công ty vi phạm", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga thông tin.

Các tin khác

Sữa giả nguy hiểm sức khỏe thế nào

Mỗi người có nhu cầu dinh dưỡng, sinh lý và nguy cơ sức khỏe riêng, uống sữa "chung một công thức, nguyên liệu" có thể mất cân bằng dinh dưỡng, tăng gánh nặng chuyển hóa, trầm trọng thêm bệnh lý nền.