TS.BS Hoàng Thị Đức Ngàn, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, giải thích như trên hôm 24/4, sau khi Bộ Công an công bố xác định 12 loại sữa giả và 72 loại sữa khác đang được kiểm tra.
Hơn 26.000 lon sữa đã được đường dây sữa giả của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất đưa ra thị trường trong 4 năm qua, với "vỏ bọc" là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Cơ quan điều tra cáo buộc các loại sữa bột giả thực chất "cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất", được bổ sung hoặc thay thế một số nguyên liệu chính, thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm. Chỉ tiêu chất lượng một số chất chính đạt dưới 70% so với công bố.
Theo BS Ngàn, với nhóm có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt như trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người mắc bệnh mạn tính, sử dụng thực phẩm bổ sung là một giải pháp đảm bảo dinh dưỡng tốt ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh. Các loại sữa dạng bột hoặc nước được sản xuất theo công thức nhất định nhằm đáp ứng cho những nhóm người có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù trên.
"Việc sử dụng chung một công thức cho các loại sữa khác nhau có thể gây ra mất cân bằng dinh dưỡng, gia tăng gánh nặng chuyển hóa, hoặc thậm chí làm trầm trọng thêm bệnh lý nền ở những người mắc bệnh mạn tính", BS Ngàn nói và gọi đây là "mặc đồng phục cho sữa".

Danh sách 12 loại sữa bột giả.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cao phục vụ quá trình tăng trưởng nhanh chóng về thể chất và phát triển trí não. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, enzyme lactase - cần thiết để tiêu hóa đường lactose trong sữa - còn thấp, khiến trẻ dễ gặp tình trạng bất dung nạp lactose.
Ngoài ra, gan và thận của trẻ cũng chưa đủ khả năng chuyển hóa và bài tiết những thành phần như natri, ure hay đạm dư thừa. Do đó trẻ có nguy cơ rối loạn điện giải hoặc tổn thương thận nếu sử dụng sữa công thức không phù hợp. Trẻ nhỏ cũng rất dễ thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A nếu sữa không được tăng cường các vi chất này.
Về mặt lâm sàng, trẻ có thể bị thiếu máu, còi xương, chậm phát triển trí tuệ hoặc ngược lại là tăng cân quá mức, thừa cân nếu sữa chứa quá nhiều năng lượng và protein. Thống kê tại các nước đang phát triển, tỷ lệ trẻ thiếu vi chất vẫn cao, trong khi tỷ lệ béo phì ở trẻ em thành thị đang gia tăng nhanh chóng do sử dụng sữa công thức sai cách hoặc quá mức. Ngược lại, nếu sữa không cung cấp đủ năng lượng, protein và vi chất thiết yếu như sắt, kẽm, DHA, trẻ có nguy cơ cao suy dinh dưỡng, thấp còi, chậm phát triển trí tuệ.
Phụ nữ có thai, ở từng giai đoạn thai kỳ khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau. Nhiều thai phụ bị nghén, chán ăn, dù nhu cầu năng lượng chưa tăng nhiều song nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng lại rất cao, đặc biệt với sắt, kẽm, vitamin B6 và B12. Nếu thai phụ phụ thuộc vào sữa như là nguồn cung cấp dinh dưỡng bổ sung trong thai kỳ, thì uống loại sữa công thức không phù hợp, ví dụ sữa không đủ sắt và acid folic, có thể tăng nguy cơ thiếu máu, thai nhi mắc dị tật ống thần kinh.
Ở ba tháng giữa thai kỳ, nhu cầu protein của bà bầu tăng lên để đáp ứng sự phát triển mô thai và nhau thai. Đây là thời điểm cần tăng cường canxi và vitamin D để hỗ trợ quá trình tạo xương và răng cho thai nhi. Ngoài ra, DHA cũng cần được bổ sung để hỗ trợ phát triển não bộ và thị lực cho thai nhi. Giai đoạn này, nếu thai phụ dùng sữa thiếu vi chất hoặc chứa nhiều đường, chất béo bão hòa có thể dẫn đến tăng cân quá mức, tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Các rối loạn này không chỉ ảnh hưởng đến bà mẹ mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi và trẻ khi được chào đời như sinh non, tiền sản giật hoặc chậm phát triển thai, suy dinh dưỡng bào thai
Ba tháng cuối thai kỳ, thai nhi tăng trưởng nhanh nhất về khối lượng và hoàn thiện hệ thần kinh. Nếu bà mẹ sử dụng sữa sai công thức, không đảm bảo về năng lượng và các vi chất có thể gia tăng nguy cơ dẫn tới tiền sản giật, sinh non, sinh nhẹ cân.
Đặc biệt, người mắc bệnh mạn tính thường kèm theo các rối loạn chuyển hóa và nhu cầu dinh dưỡng rất khác nhau. Ví dụ, người bệnh đái tháo đường có các rối loạn chuyển hóa carbonhydrate và cơ thể không thể kiểm soát được đường huyết ở mức cho phép. Người bệnh đái tháo đường được khuyến nghị sử dụng các thực phẩm (bao gồm sữa) có chỉ số đường huyết thấp và tránh sản phẩm có nhiều đường đơn.
Ở người bệnh thận mạn tính, thận không thể thực hiện các chức năng đào thải chất độc và dịch thừa; cân bằng kiềm toan trong máu; cân bằng các chất khoáng trong cơ thể; hay chức năng tạo hồng cầu. Do đó, người bệnh thận mạn phải kiểm soát lượng đạm, loại đạm, kali, phốt pho, và natri ăn vào.
Người bị rối loạn mỡ máu về mặt sinh lý thường có sự bất thường trong chuyển hóa lipid tại gan, ruột và mô mỡ, kèm với kháng insulin, viêm mạn tính và stress oxy hóa. Những thay đổi này làm tăng quá trình xơ vữa động mạch do các tổn thương thành mạch máu, làm hẹp lòng mạch và hình thành huyết khối. Do đó, người bệnh nên chọn loại sữa ít béo bão hòa và cholesterol, hướng tới các sản phẩm sữa bổ sung sterol hoặc stanol thực vật.
Ngược lại, bệnh nhân ung thư thường có các rối loạn chuyển hóa năng lượng và đạm nghiêm trọng, được gọi là hội chứng suy mòn ung thư (cancer cachexia), tức tình trạng mất khối cơ nạc, mỡ và trọng lượng cơ thể không hồi phục hoàn toàn. Tình trạng rối loạn tiêu hóa và kém hấp thu cũng rất phổ biến, đặc biệt ở người bệnh ung thư đường tiêu hóa, do ảnh hưởng của khối u hoặc sau phẫu thuật, xạ trị.
Người bệnh có thể buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn men tiêu hóa, giảm tiết enzyme, từ đó dẫn đến khó dung nạp lactose hoặc sữa động vật nguyên kem. Ngoài ra, một số loại sữa giàu chất béo bão hòa hoặc có hàm lượng đạm cao không phù hợp với chức năng gan/thận đang suy giảm nhẹ ở nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển. Các loại sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư, đã được thiết kế để giảm lactose, bổ sung thêm arginine, omega-3, chất chống oxy hóa và có tỷ lệ đạm - béo - đường phù hợp, có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng, hỗ trợ miễn dịch và tăng cường chất lượng sống.
Với những phân tích trên, BS Ngàn nói: "Như vậy, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính là những đối tượng có đặc điểm sinh lý và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, do đó sản phẩm sữa công thức dùng cho những đối tượng này cần có các công thức khác nhau". Bà khuyên duy trì chế độ ăn hợp lý là yếu tố quan trọng; sử dụng thực phẩm, bao gồm sữa, một cách hợp lý, phù hợp, cân đối là yếu tố cần thiết để duy trì và tăng cường sức khỏe.
Sử dụng sữa không đúng công thức, người dùng có thể tăng nguy cơ suy dinh dưỡng thứ phát (các dạng thiếu và thừa dinh dưỡng), làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh hoặc biến chứng của bệnh. Một công thức dùng chung cho nhiều loại sản phẩm sữa thì không tối ưu cho bất kỳ nhóm nào.
Khuyến nghị của Bộ Y tế là luôn tham vấn bác sĩ, đặc biệt với người mắc bệnh nền, trước khi chọn sản phẩm sữa phù hợp từng tình trạng sức khỏe. Xem và đọc kỹ nhãn sản phẩm, chỉ chọn sữa được sản xuất bởi công ty uy tín, có thông tin rõ ràng về thành phần và nhóm đối tượng sử dụng. Trong quá trình sử dụng, cần theo dõi lâm sàng với người mắc bệnh lý, theo dõi cân nặng và chức năng gan thận, đường huyết, huyết áp... để điều chỉnh phù hợp.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thu hồi 12 loại sữa giả đang còn trên thị trường. Cơ quan điều tra cũng cho biết đang xác minh 72 loại sản phẩm khác, trong khi chưa có kết quả khuyến cáo người dân không nên dùng.