Công nghệ

Hà Lan chi 2,7 tỷ USD để giữ chân ASML

Ngày 28/3, Reuters dẫn thông báo của chính phủ Hà Lan rằng 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) sẽ được cho cho khu vực Eindhoven, nơi ASML đặt trụ sở, để cải thiện các vấn đề về nhà ở, giáo dục, giao thông và điện lưới.

Bộ trưởng Kinh tế Micky Adriaansens xác nhận đây là một phần trong "Chiến dịch Beethoven" để ASML không có kế hoạch rời đi. Ngoài ra, Nội các Hà Lan cũng dự định giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp.

"Khi những chính sách này được thực hiện, chính phủ tin ASML sẽ tiếp tục đầu tư và duy trì trụ sở chính ở Hà Lan", người phát ngôn của Nội các nói.

Các kỹ sư ASML bên cạnh máy sản xuất chip hiện đại nhất thế giới High-NA EUV. Ảnh: ASML

Các kỹ sư ASML bên cạnh máy sản xuất chip hiện đại nhất thế giới High-NA EUV. Ảnh: ASML

Trước đó, đầu tháng 3, CEO ASML Peter Wennink gây sốc khi công khai phàn nàn về chính sách của Hà Lan liên quan đến thuế cho người nhập cư có tay nghề cao. Ông cho rằng điều này khiến ASML gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự chủ chốt. Ngoài ra, chính phủ không đầu tư đúng mức để cải thiện cơ sở hạ tầng tại trung tâm công nghệ Eindhoven. Lãnh đạo ASML cho rằng các vấn đề quan trọng như đường cao tốc, nhà ở, hệ thống lưới điện nơi công ty đặt trụ sở đều đang trong tình trạng thiếu thốn.

Trước đó, báo De Telegraaf dẫn một số nguồn tin nói ASML đang cân nhắc dời địa điểm hoạt động. Điều này buộc Hà Lan phải thành lập "lực lượng đặc biệt" nhằm giảm nỗi lo của công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới.

Giới chuyên gia nhận định tầm quan trọng của ASML đã vượt ra ngoài phạm vi kinh tế, vì họ gần như là công ty duy nhất có các hệ thống DUV và EUV tiên tiến - những công cụ đặc biệt quan trọng để sản xuất chip. Họ được ví như "điểm nghẽn" trong ngành bán dẫn do không có đối thủ trên thị trường.

Một cuộc khảo sát của Reuters với các công ty blue-chip Hà Lan trong tháng 3 cho thấy hơn chục công ty cũng đang cân nhắc chuyển hoạt động ra nước ngoài. Nhiều lãnh đạo nói các chính sách mới của chính phủ không ưu tiên đến những vấn đề mang tính tác động lâu dài, ví dụ chính sách liên quan đến chống nhập cư, thuế mua lại cổ phần, giới hạn khấu trừ thuế với các khoản đầu tư tài chính và chính sách khiếu nại quá khó lường.

Theo thống kê của ASML, 40% trong số 23.000 nhân viên công ty không phải là người Hà Lan. Họ cũng nhập linh kiện từ khắp nơi trên thế giới, sau đó phát triển ở Veldhoven trước khi vận chuyển sản phẩm cuối đến các nhà sản xuất chip toàn cầu.

Một số nguồn tin tiết lộ Pháp có thể là điểm đến của ASML. Trước đó Shell và Unilever đã chuyển trụ sở chính đến London (Anh), sau khi chính phủ Hà Lan từ bỏ lời hứa về thuế khấu trừ cổ tức.

Đập hộp' cỗ máy sản xuất chip đắt và hiện đại nhất thế giới, giá 380 triệu USD của ASML. Video: Bảo Lâm

Cùng chuyên mục

Đọc thêm