Chúng ta không cần chờ tới lúc GDP sụt giảm trong hai quý liên tiếp để đưa ra nhận định kinh tế Mỹ đã hoặc sắp rơi vào một giai đoạn suy thoái. Và chúng ta cũng không cần chờ đợi lời xác nhận chính thức của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Dữ liệu kinh tế thường có độ trễ và quá trình đánh giá thường tiêu tốn rất nhiều thời gian của cơ quan này. Điều mà chúng ta cần làm là nhìn vào số lượt tìm kiếm từ “suy thoái” trên Google Search.
Những câu chuyện xung quanh chủ đề suy thoái không chỉ cung cấp cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về những gì đang xảy ra đối với nền kinh tế mà còn giúp gia tăng rủi ro xảy ra một cuộc suy thoái thực sự, bắt nguồn từ sự hoảng loạn của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Niềm tin người tiêu dùng, được thống kê bởi Conference Board và Đại học Michigan, sụt giảm trong khoảng thời gian gần đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện tượng kể trên.
Khi người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp đối diện với một loạt các điều kiện kinh tế “khắc nghiệt”, họ thường lo lắng và nói nhiều về suy thoái. Đây không phải mà một phương pháp đo lường suy thoái chính thống mà các nhà kinh tế thường xuyên sử dụng như tình trạng sụt giảm việc làm mới và sự đảo chiều của đường cong lợi suất. Thay vào đó, nó mang phần nhiều là một phương pháp dự báo một hiện tượng sắp xảy ra. Hiện tại, mức độ tương quan giữa hiện tượng niềm tin người tiêu dùng sụt giảm với sự xuất hiện ngày một nhiều của từ khóa “suy thoái” trên Google ngày một tăng cao.
Số lượt tìm kiếm từ "suy thoái" trên Google thường tăng vọt trước các giai đoạn suy thoái xác nhận bởi NBER. Ảnh: Bloomberg.
Có không ít ví dụ khác minh chứng cho điều này. Trong giai đoạn giá xăng tại Mỹ tăng vọt lên ngưỡng 5 USD/gallon, mức độ tương quan giữa số lượt tìm kiếm từ “suy thoái” trên Google và xu hướng tăng giá nhiên liệu tăng lên 78%. Các tài xế ngay lập tức tỏ ra sốt ruột vì họ thường xuyên phải đổ đầy bình nhiên liệu. Điều này khác hoàn toàn so với việc thay thế một chiếc bình nóng lạnh khi nó bị rò rỉ, vốn chỉ xảy ra trung bình khoảng 20 năm/lần. Họ làm sao có thể nhớ giá của chiếc bình nóng lạnh cũ sau từng ấy năm? Với việc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày một tới gần, tác động chính trị từ hiện tượng tăng giá nhiên liệu ngày một rõ nét khi Tổng thống Joe Biden phải gạt kế hoạch phát triển năng lượng xanh sang một bên và “cầu cứu” sự trợ giúp từ Arab Saudi.
Thị trường chứng khoán lao dốc là hiện tượng thường xảy ra trước các giai đoạn suy thoái. Mức độ tương quan giữa đà giảm điểm của chỉ số S&P 500 trong năm nay với số lượng từ khóa “suy thoái” được tìm kiếm trên Google tăng lên 82%. Nhà đầu tư, mang nặng lo lắng về rủi ro suy thoái, thường có xu hướng bán tháo cổ phiếu, tạo áp lực giảm điểm đối với thị trường chứng khoán. Điều này lại khiến cho càng nhiều người tin rằng một cuộc suy thoái đang tới gần.
Lãi suất thế chấp cao , khiến chi phí mua nhà trở nên đắt đỏ hơn, cũng có mức độ tương quan lớn đối với số lượt tìm kiếm từ “suy thoái” trên Google. Điều tương tự cũng xảy ra khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên, làm giảm sức mua của người dân. Trong tháng 6, chỉ số CPI tại Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tăng trưởng thu nhập người lao động chỉ dừng lại ở ngưỡng 5,1%. Người dân Mỹ tỏ ra lo lắng hơn về suy thoái và hạn chế chi tiêu, do đó, rủi ro suy thoái càng tăng lên.
Triển vọng u ám
Giảm lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và họ sẵn sàng đánh đổi điều đó bằng một cuộc suy thoái. Sau khi đã chậm chân hơn so với lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ khát khao khôi phục uy tín bằng cách kéo giảm lạm phát bằng mọi giá. Và họ chắc chắn sẽ không "nương tay" với phố Wall.
Triển vọng kinh tế Mỹ liên tục xấu đi trong mắt giới chuyên gia. Ảnh: Bloomberg. |
Bên ngoài quan điểm cứng rắn của Fed trước lạm phát, tình trạng dư thừa hàng tồn kho cũng là một “vật cản” đối với kinh tế Mỹ. Hàng hóa chất chồng từ sau mùa cao điểm mua sắm Giáng Sinh và năm mới, bên cạnh đó, nhiều nút thắt chuỗi cung ứng được gỡ bỏ khiến cho hàng hóa tràn vào các nhà kho, cửa hàng và siêu thị trên toàn nước Mỹ. Trong tháng 1, có tới 109 con tàu phải xếp hàng chờ đợi ngoài cảng Los Angeles và Long Beach nhưng bốn tháng sau đó, số lượng tàu nằm chờ giảm xuống chỉ còn 16.
Nhiều chuỗi bán lẻ lớn như Macy’s và Target buộc phải xả hàng tồn và cắt giảm đơn đặt hàng. Tình cảnh khó khăn của vấp phải một thử thách lớn đó chính là quan điểm thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh niềm tin, thu nhập thực tế của họ bị ảnh hưởng bởi lạm phát. McDonald cho biết phân khúc khách hàng thu nhập thấp của họ đang ngày một chi tiêu ít hơn trong khi AT&T chia sẻ ngày càng có nhiều người dùng chậm thanh toán hóa đơn cước viễn thông mỗi tháng.
Số lượng các căn nhà chưa được bán cũng đang tăng lên mỗi ngày khi bong bóng bất động sản bắt đầu hạ nhiệt. Lãi suất thế chấp và giá nhà cao khiến không ít người phải từ bỏ giấc mơ của mình. Lĩnh vực xây dựng chỉ chiến 3.5% GDP của toàn bộ nền kinh tế nhưng sự suy yếu trong lĩnh vực này sẽ có tác động to lớn tới nhiều lĩnh vực quan trọng khác như tài chính, vật liệu xây dựng và đồ nội thất.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2022 và 2023 lần lượt còn 3,2% và 2,9%, giảm 0,4 và 0,7 điểm phần trăm so với nhận định ba tháng trước đó.