Phân tích về thị trường vốn của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, hiện hai thị trường vốn lớn cho các doanh nghiệp là tín dụng và phát hành trái phiếu đều đang bị ách tắc.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nếu không cho phép hành trái phiếu thì doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, tổng giá trị TPDN đến hạn thanh toán năm nay là 144.000 tỷ đồng, năm tới là 230.000 tỷ đồng, năm 2024 là khoảng 260.000 tỷ đồng.
TS. Lực cảnh báo nếu không xử lý ngay những vấn đề của thị trường TPDN thì sẽ gây nhiều hệ luỵ. Trung Quốc hiện đang tốn rất nhiều chi phí để xử lý vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường này, với thị trường tài chính, niềm tin rất quan trọng.
Trong 3 năm qua, thị trường trái phiếu đã có nhiều văn bản pháp lý, ban đầu là Nghị định 163, sau đó là Nghị định 81 rồi Nghị định 153 quan điểm là khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, dễ thấy rằng xuất hiện một số vụ việc vi phạm quy định về phát hành trái phiếu, gây mất niềm tin cho thị trường.
Vì vậy, Nghị định 153 sửa đổi có lẽ sẽ theo hướng siết chặt hơn các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ. TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 8.
Nghị định 153 sửa đổi một khi ban hành sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để phát hành trái phiếu. Trong bối cảnh các ngân hàng bị chặn hạn mức tín dụng thì các doanh nghiệp phải dời sang kênh trái phiếu. Cả doanh nghiệp và nhà đầu tư khi chưa rõ cơ sở pháp lý thì đều rất khó để phát hành và đầu tư trái phiếu.
TS. Cấn Văn Lực cũng nhắc lại quan điểm của Chính phủ là những vụ việc vi phạm pháp luật thì cần xử lý còn nhưng doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì cần tạo điều kiện cho họ phát triển.
Hiện có tới 48% các doanh nghiệp hiện nay nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn. Thực trạng này phản ánh phần nào việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. "Điều này đòi hỏi cần sự tháo gỡ vướng mắc, khó khăn kênh huy động vốn cả thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng", TS. Lực nói.
Về thị trường tín dụng, TS. Lực cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn “băn khoăn” hai vấn đề: Lạm phát và thanh khoản phía ngân hàng. Với yếu tố lạm phát, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm nay tăng chủ yếu vẫn do chi phí đẩy, do cung tiền không nhiều nên không quá lo ngại tuy nhiên vấn đề thanh khoản lại rất đáng quan tâm.
Năm nay, nguồn tiền gửi ngân hàng khá thấp so với tiền cho vay, huy động vốn chỉ tăng dưới 5% trong khi tín dụng tăng 9,35%. Nguyên nhân là do một phần tiền không đi vào các kênh đầu cơ hay gửi tiết kiệm mà đi vào sản xuất kinh doanh. Đây là một tín hiệu tích cực với nền kinh tế tuy nhiên lại làm mất cân đối cung – cầu của các ngân hàng, ông Lực chỉ ra.
“Ngân hàng Nhà nước phải tính toán từ nay đến cuối năm dòng vốn FDI như thế nào, vốn đầu tư công ra sao để dự báo lạm phát trong bối cảnh đó. Từ đó có thể bắt đầu cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn thay vì chờ đến quý IV”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, có thể cân nhắc nâng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn một chút so với 14% bởi dòng tiền năm nay đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn là vào đầu cơ.
Tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay việc xác định tăng trưởng tín dụng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
5 khó khăn chính của doanh nghiệp
Trong khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với các thách thức từ sức ép lạm phát, xung đột chính trị trên thế giới,... thì các doanh nghiệp cũng gặp phải hàng loạt khó khăn.
Qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 5 nhóm khó khăn chính của doanh nghiệp, gồm: Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động; khó khăn về vốn; thiếu hụt linh kiện và các rào cản pháp lý.
Trong đó, sức ép tài chính đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19 là rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ nhằm khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, tài chính vốn là mạch máu cho doanh nghiệp, do đó, việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng.
Người đứng đầu VCCI đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, đặc biệt cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32.