Cách thức Kamereo phản ứng với thị trường suốt đại dịch vừa qua, đã phần nào giải thích vì sao startup này thành công thuyết phục Quỹ Genesia (Nhật Bản) và Velocity Việt Nam đầu tư nửa triệu USD vào mình trong năm 2019.
Có thể nói, Covid-19 đã suýt nữa đè bẹp Kamereo. Với sứ mệnh và mô hình kinh doanh cốt lõi của Kamereo chủ yếu phục vụ ngành nhà hàng/khách sạn, nên lúc đại dịch bắt đầu bùng nổ, họ không hề có bất cứ phương án kinh doanh nào để đối phó với biến cố này.
"Cái khó ló cái khôn", founder Taku Tanaka và Kamereo đã không ngồi im chờ chết, với việc bắt đầu nhanh chóng bắt tay vào xây dựng một nền tảng mới phục vụ kênh B2C nhằm phần nào vãn hồi doanh thu cho doanh nghiệp. Với quyết tâm cao độ, chỉ 1 tháng sau, Kamereo đã có thể trình làng nền tảng bán thực phẩm B2C online của mình với tên gọi là KameMart.
Rút kinh nghiệm lần 1, để không phải rơi vào tình cảnh "bỏ trứng vào 1 giỏ", ngoài kênh bán qua app và website của bản thân, Kamereo còn đưa KameMart lên các ứng dụng và nền tảng thương mại điện tử khác như Grab, Shopee, Lazada. Thậm chí, họ còn xây dựng các nhà kho gần nhà kho của các nền tảng kể trên trong nội thành nhằm bảo đảm thực phẩm của KameMart lúc nào cũng sẵn sàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và tươi ngon nhất.
Trong cái rủi có cái may, việc có thêm KameMart là một bước tiến mới cần thiết của Kamereo. Như chia sẻ của chính Taku Tanaka, việc đi cả hai kênh B2B và B2C khiến Kamereo vững vàng hơn trên con đường thực hiện sứ mệnh được nhiều người cho là không tưởng - "chất lượng nhà hàng giá siêu thị", cho ngành nhà hàng/khách sạn và các thực khách - người tiêu dùng cuối. Bởi dù sao thì đi bằng 2 chân vẫn tốt hơn 1 chân!
Chương trình "Rau củ tươi đồng giá 10k - Hậu đãi nhân viên, đồng hành cùng doanh nghiệp" đang diễn ra tại startup JobHopin
Tuy nhiên, đó không phải là những bước cải tiến duy nhất của Kamereo trong thời gian gần đây, dường như việc tiếp xúc nhiều hơn với khách hàng lẻ đã giúp tư duy của các lãnh đạo startup này cởi mở hơn. Mới đây, Kamereo đã ra mắt chương trình bán hàng kết hợp với các doanh nghiệp.
"Team Kamereo đã nảy ra ý tưởng bán rau củ trực tiếp tại công ty từ đề xuất của anh CTO người Nhật, khi anh ấy chia sẻ về một số hoạt động tương tự tại Nhật Bản.
Ở các công ty Nhật, đặc biệt là các công ty công nghệ, để động viên nhân viên, họ thường liên kết với các doanh nghiệp khác để mang đến các ưu đãi tốt cho nhân viên công ty thông qua các hoạt động tổ chức tại công ty. Các hoạt động này không những được hưởng ứng rất tốt mà còn hỗ trợ mở rộng quan hệ đối tác cho các doanh nghiệp", founder Taku Tanaka trình bày.
Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình, nó không chỉ nhận được sự hoan nghênh của các công ty công nghệ mà của người công ty ở các mảng miếng khác. Từ lúc triển khai hoạt động vào đầu tháng 3 này, Kamereo nhận được sự đồng hành của gần 10 doanh nghiệp, gồm các văn phòng công ty, ngân hàng, coworking space và cả một số nhà hàng.
Chương trình đang diễn ra tại Nhà Tú.
Chương trình "Rau củ tươi đồng giá 10k - Hậu đãi nhân viên, đồng hành cùng doanh nghiệp". Ngày 8/3, team KameMart đã mang rau củ tươi đến startup JobHopin để bán, xem như một sự kiện mừng 8/3 của doanh nghiệp này; sau đó đến lượt một chi nhánh của MB Bank Hàm Nghi, JobHopin, DreamPlex.... Hiện tại, team KameMart dự định bán rau củ đồng giá 10k ở Nhà Tú vào mỗi thứ tư hàng tuần cho đến hết tháng 4/2021.
Cũng theo founder người Nhật Bản, thì ngoài mục đích bán hàng, Kamereo còn thực hiện kèm theo các hoạt động tương tác nhưng photoshoot, rút thăm trúng thưởng, tặng túi vải thân thiện với môi trườn...; để có nhiều cơ hội tiếp xúc với các khách hàng tiềm năng hơn và cũng giúp team có thể định vị được thương hiệu, hình ảnh một cách gần gũi hơn.
Founder Taku Tanaka của Kamereo.
"Mục đích đầu tiên khi triển khai chương trình này của Kamereo, là chúng tôi muốn có thể tận tay mang sản phẩm đến người tiêu dùng để giới văn phòng có thể tiếp cận trực tiếp với nguồn rau sạch và đáng tin cậy từ Kamereo.
Thực tế là, sau những buổi tương tác bán hàng trực tiếp vừa qua, team Kamereo đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng lấy được nhiều phản hồi, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ cụ thể hơn, nhờ đó mà team đã có các kế hoạch cải thiện, phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác với các doanh nghiệp đã hỗ trợ cũng được gia tăng", Taku Tanaka chia sẻ tiếp.
Ban đầu, chương trình này được dự định sẽ chạy đến hết tháng 3/2021, tuy nhiên, vì may mắn nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ nhiều quý doanh nghiệp nên Kamereo quyết định sẽ kéo dài chương trình đến hết tháng 6 năm nay.
Trong thời gian gần đây, nhờ Covid-19 được kiểm soát tốt trong thời gian dài, mảng cốt lõi là B2B đến nhà hàng – khách sạn của Kamereo đã trở lại bình thường, song họ không có ý định đóng mảng B2C, mà muốn tiếp tục phát triển. Ngoài chương trình bán trực tiếp sản phẩm đến giới văn phòng thông qua hợp tác với các công ty như đã nói ở trên, startup này còn bán hàng ở trung tâm thương mại ở Takashima, hay len lỏi vào hệ thống Family Mart.