Với nhiều người, dấn thân vào thị trường khởi nghiệp đã là một sự dũng cảm, còn dám bắt đầu hành trình trong đại dịch Covid-19, sự dũng cảm được nhân 10. Nhưng, với câu chuyện của Lê Phương Tín, chúng tôi không hề thấy có quá nhiều gay cấn và đắn đo như lẽ dĩ nhiên phải thế. Với chàng trai 23 tuổi này, thành lập công ty là ‘chuyện gì đến phải đến’, không liên quan lắm đến thời cuộc, Covid hay không Covid.
Tuy nhiên, để chèo chống một startup sống được và sống tốt trong mùa dịch lại không phải là lẽ dĩ nhiên mà cần rất nhiều nỗ lực và bền chí. Bởi có những lúc, do Covid-19, tất cả những đồng đội của Tín đã nản lòng và tạm thời rời đi, chỉ có anh là vẫn kiên quyết ở lại, nhất quyết không để doanh nghiệp chết, dù là ở trạng thái ‘lâm sàn’.
23 tuổi, với nhiều người, có thể là quá sớm để khởi nghiệp, nhưng với cậu sinh viên nghèo vượt khó như Lê Phương Tín, thì vừa đẹp. Bởi, sau khi bước chân vào Đại học Tài chính – Marketing nhờ học bổng Vietseeds, anh đã bôn ba khắp nơi nhằm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí cho bản thân. Cũng chính những ngày tháng phiêu bạt làm thêm đó đã đưa Tín đến với ngành du lịch, cụ thể hơn là với ngách trekking.
KHỞI NGHIỆP TRONG ĐẠI DỊCH BỞI LỜI XÚI DẠI CỦA KHÁCH HÀNG CŨ
Năm thứ tư Đại học, Lê Phương Tín đã tình cờ được nhận vào làm marketing trong một công ty du lịch chuyên trekking đầu ngành ở thị trường miền Nam. Với mong muốn được học hỏi lại yêu thích du lịch trải nghiệm, từ một nhân sự của phòng marketing, Tín dần trở thành một trong những tour guide chủ lực của doanh nghiệp, nhận được những đãi ngộ khác biệt của công ty, mặc dù còn đang là sinh viên.
Trong những ngày tháng là tour guide đó, vì tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, nên anh dần biết khách hàng muốn gì và mình cần làm gì để thỏa mãn nhu cầu đa dạng của số đông khách hàng. Không ít lần, anh đã đề nghị công ty cho anh xin thêm ít kinh phí, để có thể làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng trong tour, nhưng có thể vì doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng, chứ không phải nâng cao dịch vụ; nên đề nghị của anh bị từ chối, những mong ước của anh vẫn chỉ là mong ước.
Khoảng đầu năm 2020, do nhiều lý do, anh đã quyết định nghỉ việc. Đang trong thời gian rảnh rỗi cùng nỗi nhớ rừng, Lê Phương Tín đã tự đứng ra nhận một vài nhóm đơn lẻ và dẫn họ đi những tour mà mình từng thực hiện. Sau vài tháng, tiếng lành đồn xa, một vài khách hàng cũ trước đây vẫn còn liên lạc, đề nghị Tín nên mở một công ty, nhằm chuyên nghiệp hóa công việc của mình. Một chị khách hàng cũ đã giúp anh làm các giấy tờ cần thiết cho việc thành lập công ty.
Thật ra, lúc làm Giấy phép kinh doanh, Lê Phương Tín vẫn chưa nghĩ nhiều, mà đơn giản là đã có sẵn người giúp đỡ, thì hợp thức hóa công việc của mình nhằm tiện lợi cho việc đóng thuế.
Với Lê Phương Tín, startup 52Hz là một mối lương duyên tiền định. Không chỉ là việc thành lập công ty, mà trong bước đường hoạt động 1 năm vừa qua, hễ lúc nào anh và doanh nghiệp mình gặp khó khăn, đều có một người quen là khách hàng cũ hay những người bạn lớn tuổi, chìa tay ra giúp đỡ; từ việc tìm đối tác, góp vốn cho đến cho những lời khuyên bổ ích – quý giá trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.
THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN NHẨT LÀ 'CÚ ĐÁNH' CHOÁNG VÁNG TỪ LÀN SÓNG THỨ 2 COVID-19
Vào tháng 6/2020, khi startup 52Hz mới có được vài nhân viên và dần đi vào hoạt động ổn định, thì đùng một phát, làn sóng thứ 2 của Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng. Ngay sau khi có thông tin nghiêm trọng phát ra từ Đà Nẵng, thì sáng đó có 2 người khách của công ty anh vừa rời tour vào buổi sáng cho biết, cách đây vài hôm họ mới trở về từ Đà Nẵng. Vậy là, doanh nghiệp anh phải tạm thời ngừng hoạt động, vì tất cả nhân viên trong công ty đều đã từng tiếp xúc với 2 người khách nọ.
Không chỉ 52Hz, mà cả thị trường tại TP.HCM – nhất là ngành du lịch cảm thấy choáng váng, họ chưa kịp hồi sức sau làn sóng thứ nhất, giờ con sóng thứ hai đã ập đến. Trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh, mọi người trong công ty – trong đó có cả co-founder, đề nghị Lê Phương Tín tạm thời đóng cửa văn phòng, ngừng mọi hoạt động, đợi qua làn sóng thứ hai rồi hẳn hay.
"Vừa có chút hiếu thắng của người trẻ, lại không cam tâm, tôi đã không đồng ý với đề nghị của mọi người. Tôi nói với mọi người là họ có thể tạm thời nghỉ về quê tránh dịch, còn tôi sẽ một mình làm tất cả các công việc, nhằm giữ cho công ty hoạt động trong suốt mùa dịch. Tôi cũng có gọi điện xin chủ nhà giảm tiền thuê, song họ chỉ giảm cho tôi 3 triệu, nên tôi phải móc tiền túi ra trả 8 triệu còn lại.
Tôi nhớ lúc đó mình đã viết một bức thư đầy nước mắt, trình bày với khách hàng những khó khăn do điều kiện ngoại cảnh và nội tại mang lại cho 52Hz, khiến công ty không thể tiếp tục dẫn khách như kế hoạch và chúng tôi sẵn sàng trả lại tiền họ – chứ không giữ lại như nhiều doanh nghiệp trong ngành khác.
Có thể nói, lúc đó tôi đang đánh cược, cược vào lòng trắc ẩn và cảm thông của khách hàng với 52Hz. Lúc đó, nếu tất cả khách hàng đều nhất quyết đòi lại tiền, tôi quả thật không biết đào đâu ra vài trăm triệu để trả lại cho mọi người. Rất may mắn, khách hàng đã thông cảm và rất ít người đòi lại tiền, mà đồng ý sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ của 52Hz sau khi làn sóng thứ hai kết thúc", Lê Phương Tín kể.
May mắn thay, tại TP. HCM, làn sóng Covid-19 lần hai chỉ diễn ra trong khoảng 1 tháng. Ngay sau khi thị trường ấm lại và cửa rừng được mở lại, 52Hz quay trở lại đường đua nhanh chóng, bởi họ đã có sẵn rất nhiều hợp đồng đã bị hoãn trước làn sóng thứ hai. Hơn nữa, việc 5 2Hz đồng ý trả lại tiền cho khách hàng nếu họ yêu cầu, đã tạo ra rất nhiều thiện cảm trong cộng đồng du lịch trải nghiệm – trekking.
"Bây giờ nhớ lại, cảm giác ngồi một mình trong văn phòng trống rỗng và không biết tương lai doanh nghiệp của mình sẽ đi về đâu quả là một trải nghiệm không dễ chịu. May mà, tôi đã cược thắng! Có lẽ, đây là một trong những quyết định khiến người đàn anh đi trước cho rằng: nhiều khi tôi quá liều lĩnh và mạo hiểm", CEO 52Hz bày tỏ.
STARTUP CÓ TIỆC "THÔI NÔI" MÀ KHÔNG BỊ CHẾT TRONG TRỨNG NƯỚC
Việc một công ty du lịch – kể cả mảng trekking khác biệt, có thể ra đời và sống tốt trong Covid-19 là cả một kỳ tích. Kỳ tích đó xảy ra được là nhờ vào 3 điều sau: đổ tiền không ngừng nghỉ vào marketing để làm mới mảng miếng cũ, trải nghiệm dịch vụ xuất sắc và chưa quan tâm đến lợi nhuận.
Hồi còn làm công ty đầu ngành trekking, có một lần, Lê Tín được khách hàng trong đoàn mình dẫn đề nghị: hãy tổ chức một tour trekking chỉ gồm những người độc thân, từ lứa tuổi 24 đến 35, không có vợ chồng con cái hoặc người lớn tuổi. Mục tiêu không phải là để tìm người yêu, mà để những tâm hồn đồng điệu có thể có thể bạn mới – nhóm mới. Đây là sản phẩm mà công ty đầu ngành trekking nọ từng bán, nhưng chưa thành công nên đã từ bỏ để chuyển sang thị trường đa dạng độ tuổi hơn.
"Với bản thân tôi, tôi rất thích ý tưởng đó, nên lúc ra làm riêng với 52Hz, tôi đã chọn thị trường ngách của ngách này để phát triển. Thay vì nhấn mạnh đến việc tìm bạn đời qua các tour hẹn hò như nhiều chiến dịch marketing ban sơ của nhóm khách hàng này, chúng tôi chỉ kết hợp giữa hai yếu tố là trekking và độc thân.
Nhiệm vụ của 52Hz là khiến những thanh niên độc thân từ 4 phương trời, dù có tần số đặc biệt như ‘chú cá voi 52Hz, vẫn có thể mở lòng để tìm được những tâm hồn đồng điệu trong các chuyến đi với chúng tôi. 52Hz chỉ làm nhiệm vụ cầu nối, còn khách hàng có thể trở thành bạn bè hay người yêu của nhau sẽ là lựa chọn của khách hàng sau đó", Lê Phương Tín chia sẻ.
Từ khi khởi hành đến nay, startup non trẻ này đã đổ khá nhiều tiền vào các chiến dịch marketing – PR để nhanh nhất có thể định vị thương hiệu của bản thân trong giới trekking. Để làm sao, một bạn trẻ độc thân khi muốn đi trekking sẽ nghĩ ngay đến 52Hz chứ không phải những thương hiệu khác.
52Hz đã phục vụ được khoảng 1.300 khách trong 1 năm vừa qua, ngang với doanh nghiệp đầu ngành. Tuy nhiên, theo lời Tín, thì anh cùng 52Hz còn một quãng đường dài để đi trong việc xây dựng thương hiệu, bởi không ít khách hàng gọi điện tới và ngộ nhận startup này chính là công ty con hoặc chi nhánh của doanh nghiệp khác cùng ngành.
"Tôi nghĩ, nguyên do giúp 52Hz chỉ trong 1 năm đã có thể phục vụ lượng khách hàng bằng với doanh nghiệp đầu ngành, bởi chúng tôi vẫn luôn cố gắng xây dựng trải nghiệm khách hàng khác biệt và xuất sắc chứ không chỉ tốt.
Khác biệt của sản phẩm 52Hz so với các sản phẩm trekking cuối tuần của các doanh nghiệp cùng ngành khác: chúng tôi có phục vụ thêm đêm nhạc acoustic giữa rừng. Vậy nên, ngoài 1 tour guide cứng cùng khoảng 3 cộng tác viên và đoàn hậu cần, mỗi team dẫn tour của 52Hz còn có thêm nhạc công và các dụng cụ âm thanh, nhằm có thể tổ chức một buổi mini concert giữa rừng. Sau đó, trong thời gian rảnh rỗi, các tour guide của 52Hz được khuyến khích học thêm đàn hát, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ văn nghệ.
Còn về trải nghiệm xuất sắc: chúng tôi chăm sóc khách hàng của mình bắt đầu từ lúc họ chuyển tiền, bằng cách mời họ đi đến các đêm nhạc tại Sài Gòn theo chuyên đề hàng tuần, để họ có thể tìm hiểu thêm về hành trình sắp tới của mình cũng như có thêm những người bạn mới. Khi ở trên xe di chuyển đến địa điểm tập kết, chúng tôi không chỉ đơn giản giới thiệu lịch trình mà đã có những trò chơi nho nhỏ để mọi người xích lại gần nhau hơn", Lê Phương Tín trình bày.
Trong suốt chuyến đi, họ luôn có những trò chơi và nhiệm vụ nho nhỏ, mục tiêu vẫn là để các bạn trẻ độc thân trong đoàn biết nhau một cách nhanh nhất có thể. Ai hoàn thành sẽ có những món quà nho nhỏ và ngược lại. Sau khi khách hàng hoàn tất chuyến đi, 52Hz vẫn sẽ tiếp tục chăm sóc họ qua các hoạt động như tham gia các buổi đêm nhạc định kỳ mỗi tuần mà 52Hz tổ chức hay tin nhắn hỏi thăm vào những dịp quan trọng.
Những đêm nhạc theo chủ đề như thế này tại TP. HCM là phương tiện để 52Hz xây dựng tệp khách hàng trung thành.
Nhờ chú trọng vào việc kết nối khách hàng liên tục cả cũ lẫn mới, nên 52Hz dù mới thành lập 1 năm, đã có lượng khách hàng trung thành nhất định. Hiện tại, tỷ lệ khách quay lại sử dụng sản phẩm của họ khoảng 10% đến 15%. Với những sản phẩm đặc thù như trekking cuối tuần, thì mỗi khách hàng trung bình sử dụng 2 sản phẩm/mỗi năm.
"Hồi tôi còn thường xuyên dẫn tour, thì mỗi khách hàng của tôi, sau khi hoàn tất tour đều trở thành bạn của tôi. Bây giờ, tôi muốn các tour guide trong công ty cũng phải hướng đến mục tiêu đó", CEO 52Hz thổ lộ.
Hiện 52Hz có khoảng 10 nhân sự và kha khá cộng tác viên. Trong ngành này, để tìm được một tour guide chính vừa có thể dẫn đường vừa có thể quán xuyến và giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh trong suốt 2 ngày của vài chục con người ở trong rừng, không phải là điều dễ dàng. Chiến lược của Lê Phương Tín là tìm những bạn trẻ thực sự đam mê với việc trekking đồng thời đồng cảm với sứ mệnh của doanh nghiệp, nếu chưa có nghiệm vụ sẽ được đào tạo. Chỉ như thế, 52Hz mới có đội ngũ chất lượng để phục vụ khách hàng.
"Vì với những con người toàn năng: có thể dẫn đoàn, có thể quản lý và biết đàn hát, chúng tôi không đủ khả năng để chi trả xứng với tài năng mà họ có", Lê Phương Tín khẳng định.
"Trong một năm qua, 52Hz chưa ưu tiên việc tìm kiếm lợi nhuận mà chủ yếu tập trung vào làm thương hiệu và thu hút khách hàng. Nhờ thế, chúng tôi mới có thể mang lại cho khách hàng nhiều giá trị gia tăng cùng mức giá không đổi. Hơn nữa, trong nghề này, quan trọng không phải là nhiều sản phẩm, mà lượng khách hàng đều đặn mới quyết định lời hay lỗ", CEO 52HZ cho hay.
52Hz đã phục vụ khoảng 1.300 khách trong 1 năm vừa qua.
Trong khoảng một năm qua, 52Hz đã đổ ra khoảng 1,2 tỷ đồng cho các chương trình marketing – PR, xây dựng quy trình và trả lương cho bộ máy nhân sự. Lê Phương Tín chưa phải bỏ ra đồng nào mà chỉ đóng góp công sức. Tất cả số vốn để gầy dựng 52Hz là đến từ các nhà đầu tư thiên thần và co-founder còn lại.
"Vậy nên, không ít nhà đầu tư đã hỏi tôi: "Tín ơi, anh/chị thấy doanh nghiệp mình đang hoạt động khá tốt và hiệu quả, sao không thấy lợi nhuận?!" Trong những lúc đó, tôi phải ngồi giải thích cho các anh chị hiểu những ưu tiên hiện tại và tương lai của 52Hz.
Vậy nguyên do vì sao những nhà đầu tư thiên thần chấp nhận xuống tiền cho tôi và 52Hz? Vì họ yêu mô hình kinh doanh này và tin tưởng vào cái tâm của founder. Hơn nữa, ngoài hàng ngày làm công ăn lương, họ cũng muốn có cảm giác được cùng gầy dựng cái gì đó lớn lên và phát triển từng ngày.
Do vậy, mặc dù nhiều nhà đầu tư thiên thần của tôi không quan tâm lắm đến số tiền mà họ đã góp vào 52Hz, nhưng tôi lại không muốn ‘mắc nợ’ quá lâu và muốn mong muốn của các anh chị được hiện thực hóa bằng giấy tờ, nên đã bán phần lớn cổ phần của mình trong startup này cho các anh chị. Hiện tại, số cổ phần còn lại của tôi trong doanh nghiệp chỉ còn khoảng 34,5%", Lê Phương Tín kể tiếp.
Tương lai chẳng ai biết ra sao, nhưng tạm thời, Lê Tín muốn xây dựng một sự nghiệp lâu dài trong ngành du lịch, để 52Hz không chỉ có sinh nhật 1 năm mà là 10 năm. Muốn thế, bản thân anh phải học hỏi liên tục, vì như chúng ta biết, muốn doanh nghiệp lớn nhanh thì các founder hay CEO cũng phải không ngừng trưởng thành.
Mục tiêu trước mắt trong hạng mục rèn luyện bản thân: Lê Phương Tín muốn trở thành một tour guide của Oxalis Tour, doanh nghiệp đến từ Úc và là đơn vị duy nhất được nhà nước cấp phép khai thác du lịch trong hang động Sơn Đòng và hệ thống hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Hiện tại, Lê Phương Tín cảm thấy không có bất cứ thử thách gì với bản thân khi dẫn khách trên các cung đường trekking tại miền Nam; nên anh muốn tìm thách thức mới.
HAI ĐƯỜNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI
Về phần 52Hz: sau khi những sản phẩm hiện tại đã được khai thác tốt, startup này muốn mở rộng thị trường ra theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang. Trong vài năm tới, họ đang có ý định phát triển hai hướng mới: trekking cùng thú cưng và tiến quân ra Bắc.
52Hz sắp thử nghiệm tour trekking dành riêng cho các bạn trẻ và thú cưng của mình.
Sở dĩ 52Hz phát triển thêm sản phẩm trekking cùng thú cưng là bởi họ nhận thấy trên thị trường nhu cầu này không ít, vì càng ngày nhiều bạn trẻ ở đô thị thích nuôi chó mèo, mỗi khi đi du lịch rất khó để tìm người giữ hộ hoặc họ muốn thú cưng của mình cũng được đi du lịch như bản thân. Thậm chí, khách hàng sẵn sàng trả tiền du lịch cho thú cưng ngang bằng bản thân. Để đơn giản hóa vấn đề, 52Hz đã tìm một đối tác trong lĩnh vực thú cưng để hợp tác làm tour: họ chỉ lo về người, còn đối tác sẽ lo phần thú cưng.
"Mặc dù chúng tôi thấy nhu cầu, song vì đây là thị trường khá khu biệt, nên trong thời gian đầu, chúng tôi sẽ tổ chức một vài tour như kiểu sự kiện để thăm dò thị trường, chứ không làm tour cố định ngay từ những ngày đầu.
Về vấn đề Bắc tiến: trong thời gian qua, đã có một vài lời đề nghị từ phía Bắc, muốn tôi nhượng quyền thương hiệu cho họ, xong tôi đã từ chối vì mình có thể tự làm được và không biết họ có thể bảo đảm những trải nghiệm sản phẩm xuất sắc mà 52Hz đã đề ra hay không", CEO 52Hz cho hay.
Với Lê Phương Tín, đứng trước thử thách, anh không nghĩ mình sẽ làm được hay không, mà chỉ nghĩ đến giải pháp và những mối quan hệ giúp mình giải quyết vấn đề. Bởi, nếu không làm được, tức mình chưa tìm đúng giải pháp đúng. Cũng có vài người hỏi: Tín, nếu một ngày em hết may mắn rồi thì sẽ như thế nào?! Theo founder này, mặc dù anh gặp nhiều may mắn, nhưng nếu không có nhiều sự chuẩn bị và thiếu đi tâm sức sẽ rất khó để biến từ may mắn sang thành công.