Thời sự

Giọt nước tràn ly ở bệnh viện Bạch Mai: Nửa vời tự chủ toàn diện?

Bạch Mai là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, cán bộ y tế ở đây được đánh giá có chuyên môn cao đầu ngành. Đây cũng là một trong 4 BV được cho thí điểm tự chủ toàn diện từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm nhiều khuyết điểm đã dần bộc lộ.

Chỉ riêng tại BV Bạch Mai, trong số 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc có 113 người do kiện toàn, tinh gọn. 28 bác sĩ chuyển công tác, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học. Trong số bác sĩ chuyển sang nơi khác có những người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng khoa dược, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa thăm dò chức năng và phó trưởng phòng tổ chức cán bộ. Lý do khiến họ chuyển việc, thôi việc là do áp lực công việc cao trong khi thu nhập không tương xứng.

Giọt nước tràn ly ở bệnh viện Bạch Mai: Nửa vời tự chủ toàn diện? - Ảnh 1.

Liên doanh, liên kết, thuê tài sản, còn nhiều thủ tục rườm rà, cản trở và hạn chế tốc độ đầu tư của bệnh viện tự chủ. Ảnh: L.N

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ khi tự chủ toàn diện từ ngày 17/2/2020, do không được cấp ngân sách, ảnh hưởng dịch nên bệnh nhân nội trú tại BV Bạch Mai giảm từ 3.200 người xuống 1.000 người. Giường bệnh xây dựng theo kế hoạch không sử dụng hết.

Nhiều bất cập

Từ ngày 19/5/2019 Chính phủ thống nhất phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Mục đích tự chủ toàn diện là để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân nhưng triển khai không khéo sẽ trở thành áp lực với bệnh viện và cả người bệnh. Thực tế 2 trong 4 bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ toàn diện là Bạch Mai và Bệnh viện K dù đã hết thời gian thí điểm nhưng các văn bản hướng dẫn quy định ban hành thống nhất cho các bệnh viện vẫn chưa có.

Trong báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ về tình hình thực hiện thí điểm tự chủ ở BV Bạch Mai và Bệnh viện K cho thấy, nhiều bất cập tại các bệnh viện này. Theo đó, tại BV Bạch Mai giá dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá BHYT, chưa được tính đúng, tính đủ. Trong 7 yếu tố cấu thành, hiện mới tính 4 yếu tố gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp. Còn 3 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá BHYT... Kết quả là BV giảm doanh thu, nhân viên giảm thu nhập và nghỉ việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp về tự chủ bệnh viện vào tháng 4/2021 cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tạo điều kiện để các đơn vị tăng số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân; làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công; tạo cơ chế thông thoáng cho đơn vị trong sử dụng các nguồn tài chính chi thường xuyên, được phép chi thu nhập tăng thêm, góp phần bảo đảm đời sống, giữ chân cán bộ.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, cơ chế tự chủ cũng đang tạo ra nhiều khó khăn thách thức. Đó là liên quan tới việc tổ chức bộ máy, biên chế, các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị không dám làm, sắp xếp lại vì sợ vi phạm. Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm còn chưa rõ ràng.

Đại diện BV Chợ Rẫy cho biết, tự chủ ở bệnh viện công lập là xu thế tất yếu nhưng cần lộ trình, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến cuối. Thực tế lâu nay, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên về tài chính, cũng như các bệnh viện Bạch Mai, K, Việt Đức.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm