Không riêng ai, tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới này đều mong con mình lớn lên sẽ đạt được thành công. Lý do là vì cha mẹ không thể ở bên cạnh để lo lắng cho con mãi được. Thế nên ngay khi con còn nhỏ, nhiều cha mẹ đã chú trọng việc học tập của con với hy vọng lớn lên, con sẽ trở thành người tài giỏi, thành công trong cuộc sống.
Thực tế, không phải cứ học thật giỏi mới thành công, thước đo sự thành công còn thể hiện ở nhiều yếu tố khác như: Mức độ hạnh phúc, các kỹ năng mềm,… Và những điều này phần lớn đều chịu ảnh hưởng từ cách giáo dục và môi trường sống do cha mẹ tạo ra ngay khi còn nhỏ. Đôi khi cha mẹ giáo dục sai cách cũng tác động nhiều đến tương lai của con. Vì thế, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau, cha mẹ nên lưu ý để chấn chỉnh kịp thời. Có thể thay đổi phương pháp giáo dục để giúp trẻ phát triển nhiều tố chất dễ đạt được thành công về sau.
1. Hay khóc khi gặp thất bại
Trong quá trình hình thành và phát triển tâm lý, đối mặt với thất bại là cách tích cực và là một phần rất quan trọng. Qua những thất bại sẽ phản ánh được khả năng chịu đựng của trẻ. Nhìn chung, những đứa trẻ có sức chịu đựng thấp thường rụt rè, kém tự tin trong cuộc sống. Khi đứng trước khó khăn, có thể trẻ chỉ biết khóc lóc, không đưa ra được phương hướng giải quyết. Những đứa trẻ này khi lớn lên thường là người yếu đuối, thiếu tính kiên trì, khó đạt được thành công.
Khi gặp thất bại, gặp thử thách, nếu trẻ chỉ buồn bã khóc lóc thì sẽ mãi chìm trong cảm xúc tiêu cực, không thể nghĩ được cách giải quyết hay. Điều này gây bất lợi cho quá trình hình thành nhân cách. Vì vậy, cha mẹ cần giúp con rèn luyện sức chịu đựng tâm lý, hãy hướng dẫn trẻ đối mặt với mọi biến cố, mọi thất bại.
Những đứa trẻ hay khóc báo hiệu khả năng chịu áp lực kém. (Ảnh minh họa)
2. Trẻ thích dựa dẫm vào người khác
Xu hướng của cha mẹ hiện đại là nuôi dạy con tự lập. Thế nhưng có rất nhiều đứa trẻ ngày nay vẫn được bao bọc, chiều chuộng quá mức. Chính điều này hình thành tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào người khác khi lớn lên.
Một đứa trẻ 6 tuổi chưa biết mặc quần áo thành thục, 7 tuổi chưa thể tự giác vệ sinh cá nhân một mình… ấy là bởi tất cả những việc này hằng ngày vẫn được cha mẹ làm giúp. Càng lớn lên, trẻ càng hằn sâu vào đầu suy nghĩ: "Việc gì cũng có người khác lo và làm giúp. Mình chỉ cần tận hưởng kết quả, không cần động tay, động chân làm gì cả".
Trong tương lai, những đứa trẻ như vậy khó gặt hái được thành công bởi không có tư duy tự lập, tự chủ, không có ham muốn khám phá và chinh phục những thách thức trong học tập, cũng như công việc.
Trẻ thích dựa dẫm vào người khác thường không tự làm chủ được cuộc đời của mình sau này. (Ảnh minh họa)
3. Trẻ học giỏi nhưng lại không giỏi giao tiếp
Có những đứa trẻ học giỏi đều các môn, nhận được vô số điểm 10, được giáo viên khen ngợi, bạn bè nể phục. Tuy nhiên, khi bước ra ngoài xã hội, trẻ lại không nói nổi một lời, không thể hòa nhập với mọi người. Tất cả những kiến thức tích lũy chỉ nằm trong sách vở. Khi gấp sách lại, kiến thức xã hội bằng con số 0, kỹ năng giao tiếp cũng bằng 0 nốt. Những đứa trẻ này nhất định sẽ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống sau này.
Vì vậy, nếu cha mẹ thấy con học giỏi nhưng ngại giao tiếp thì đừng mừng vội mà cho rằng đó là điều bình thường. Cha mẹ hãy sớm giúp con hòa nhập với mọi người bằng cách thường xuyên đưa con tới nơi đông người, khích lệ con đi chơi với các bạn, thường xuyên trò chuyện cùng con,… Chắc chắn chỉ sau một thời gian ngắn, đứa trẻ sẽ cải thiện rõ rệt.