Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch 22/8 tiếp tục ghi nhận áp lực bán chốt lời sau giai đoạn hồi phục mạnh trước đó. Kết thúc ngày đầu tuần, chỉ số VN-Index giảm đến 8,75 điểm (-0,69%) về mức 1.260,43 điểm. Đây đã là phiên điều chỉnh giảm thứ 3 liên tiếp của thị trường. Bộ chỉ số HNX-Index cũng giảm 3,21 điểm (-1,08%) về 294,73 điểm. UPCoM-Index giảm 0,59% xuống 92,22 điểm.
Trái ngược với đà giảm khá mạnh của chỉ số VN-Index, mã cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động do đại gia Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch ghi nhận mức tăng 2.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 3,7%, đóng cửa ở mức giá 66.500 đồng/cổ phiếu. MWG là mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30 phiên giao dịch ngày 22/8.
Đà tăng mạnh của MWG trong phiên giao dịch đầu tuần đến sau khi hàng loạt thông tin tích cực về kết quả kinh doanh được công bố.
Cụ thể, tại buổi chia sẻ với nhà đầu tư được tổ chức chiều 19/8, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định sau khi đóng khoảng 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động không hiệu quả, hoạt động của chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng của tập đoàn đang tốt lên. Tỷ phú 53 tuổi người Nam Định kỳ vọng Bách Hóa Xanh khả năng cao sẽ có lãi trong quý IV, từ đó tạo ra bước chuyển lớn với tập đoàn mẹ MWG.
Cùng với đó, lãnh đạo MWG cho biết chuỗi Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) đã mở trên 1.000 cửa hàng sau 2 năm phát triển và kỳ vọng có thể đạt doanh số 12.500 tỷ đồng trong năm nay (hơn nửa tỷ USD). Doanh số kỳ vọng cho năm 2023 tiếp tục tăng lên mức 20.000 tỷ đồng.
Khối tài sản của ông Nguyễn Đức Tài tăng thêm hơn 450 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 22/8
Đà tăng mạnh của MWG trong phiên giao dịch đầu tuần giúp khối tài sản của tỷ phú người Nam Định ghi nhận mức tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, với việc ông Nguyễn Đức Tài đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 187,5 triệu cổ phiếu MWG, chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 22/8, khối tài sản đại gia 53 tuổi người Nam Định ghi nhận mức tăng thêm hơn 450 tỷ đồng.
Ông Tài là người tăng tài sản mạnh nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tuần. Tính theo giá thị trường, khối tài sản Chủ tịch MWG đang sở hữu có giá trị hơn 12.472 tỷ đồng.
Sau phiên giảm gần 9 điểm của chỉ số VN-Index, nhận định về xu hướng thị trường phiên giao dịch ngày 23/8, chuyên gia của CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VN30 chuyển xuống mức trung tính, tương đồng với trạng thái hiện tại của VNMidcap và VNSmallcap. Trong khi đó, HNX-Index là chỉ số đầu tiên tạm chuyển tín hiệu ngắn hạn xuống tiêu cực.
Dự báo trong phiên ngày 23/8, thị trường có thể tiếp tục xu hướng giảm điểm. Theo đó, chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ kiểm định lực mua ở vùng giá thấp, quanh mốc 1.250 điểm thúc đẩy bởi hỗ trợ MA20 ngày. Nếu lực mua đủ ổn định để giúp VN-Index chốt phiên trên hỗ trợ, chỉ số có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục trở lại về phía cuối ngày hoặc ở những phiên sau đó.
Ở kịch bản này, VN-Index sẽ kiểm định lại kháng cự MA10 đang nằm tại 1.265 điểm và cao hơn là đường MA100 tại 1.275 điểm. Ngược lại, nếu tiếp tục vi phạm hỗ trợ MA20 tại 1.250 điểm, VN-Index sẽ tiếp tục thoái lui xuống hỗ trợ sâu hơn, quanh 1.230 điểm.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index đang suy yếu và trong các phiên tiếp theo nhiều khả năng chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.245-1.250 điểm. Trường hợp tích cực để cải thiện xu hướng ngắn hạn kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trở lại ở vùng hỗ trợ 1.245-1.250 điểm, ngược lại nếu không giữ được vùng hỗ trợ 1.245-1.250 điểm thì chỉ số có thể chiều chỉnh về vùng giá 1.220-1.225 điểm.
Tương tự, chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco) dự báo phiên ngày 23/8, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh với hỗ trợ gần nhất quanh vùng 1.250 điểm do phe bán đang chiếm ưu thế; dòng tiền có sự phân hóa ngay trong nhóm ngành và chưa có nhóm ngành nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.
Agriseco cho rằng nhịp điều chỉnh này là cần thiết sau giai đoạn tăng giá vừa rồi để thu hút lực cầu tạo dư địa tăng trưởng bền vững cho chỉ số. Vì vậy trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung cơ cấu danh mục, hạ tỷ trọng đối với các mã cổ phiếu suy yếu. Đối với các mã thuộc các nhóm ngành còn tiềm năng tăng trưởng cuối năm và đang thu hút được dòng tiền, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và tăng tỷ trọng khi chỉ số tìm về các vùng hỗ trợ.