Tài chính

Giới đầu tư toàn cầu tìm đường tránh "bão thuế" của ông Trump

Tóm tắt:
  • Giới đầu tư toàn cầu đang lo lắng về tình hình kinh tế và tìm kiếm tài sản an toàn như kim loại quý và cổ phiếu phòng thủ.
  • Các mức thuế quan cao của Mỹ dưới thời Trump gây hoang mang, làm giảm chỉ số S&P 500 7,7% từ đỉnh cao.
  • Nhiều nhà phân tích cảnh báo thị trường sẽ tiếp tục biến động và chưa trải qua hết "nỗi đau kinh tế".
  • Các nhà đầu tư chuyển hướng sang cổ phiếu giá trị cao và doanh nghiệp ổn định để tránh rủi ro suy thoái.
  • Mặc dù lo lắng, một số nhà đầu tư vẫn lạc quan về các cơ hội từ công ty công nghệ trong bối cảnh hiện tại.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu, nhà đầu tư toàn cầu đang rơi vào trạng thái hoang mang, ráo riết tìm kiếm tài sản có khả năng chống chịu suy thoái, vượt qua lạm phát cao, hoặc những doanh nghiệp ít phụ thuộc vào thương mại quốc tế.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 7,7% kể từ đỉnh cao được thiết lập sau lễ nhậm chức vào ngày 19/2. Nhiều nhà phân tích cảnh báo thị trường tiếp tục biến động khi các mức thuế quan bắt đầu có hiệu lực. Điều này nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì Phố Wall dự đoán.

Làn sóng tránh bão của nhà đầu tư

Sự không chắc chắn về mức thuế cuối cùng được áp dụng tạo làn sóng săn lùng công cụ phòng vệ trong giới đầu tư. Họ hướng đến hàng hóa, kim loại quý như vàng, cổ phiếu giá trị, cổ phiếu phòng thủ, công ty quy mô nhỏ ít xuất khẩu, và trái phiếu.

"Chúng tôi không biết mình sẽ hạ cánh ở đâu trong 3 năm rưỡi tới liên quan đến thuế quan. Các nhà đầu tư nên thận trọng, duy trì danh mục đầu tư đa dạng và tránh cố gắng trở thành người hùng trong giới đầu tư", Don Calcagni - Giám đốc đầu tư tại Mercer Advisors - nói với Reuters.

Giới đầu tư toàn cầu tìm đường tránh 'bão thuế' của ông Trump ảnh 1

Nhà đầu tư tìm cách "tránh bão".

Gustaf Little - nhà quản lý danh mục cấp cao tại Allspring - nhận định: "Động thái nhiều doanh nghiệp tìm cách tránh bão là biểu hiện của sự tìm kiếm an toàn trước rủi ro thuế quan và nguy cơ suy thoái tiềm tàng. Giờ là lúc thị trường phải nhìn xa hơn".

Ông Little tập trung vào công ty vốn hóa nhỏ - đơn vị có khả năng hưởng lợi từ chính sách bảo hộ vì ít phụ thuộc vào thương mại toàn cầu. Ông tiết lộ đã gia tăng đầu tư vào nhóm cổ phiếu này trong vài tuần gần đây.

Robert Christian - Giám đốc đầu tư chiến lược Absolute Return tại Franklin Templeton - lại ưu tiên các quỹ đầu cơ vĩ mô toàn cầu, có thể giao dịch nhiều loại tài sản xuyên quốc gia, hoặc các quỹ cổ phiếu trung lập, vốn hoạt động hiệu quả trong bối cảnh bất ổn.

"Các doanh nghiệp đã tích trữ hàng hóa để chuẩn bị cho 3-4 tháng tới. Nhưng câu hỏi lớn là: Điều gì sẽ xảy ra sau đó?", Christian nói.

Ngay cả khi chỉ số S&P 500 đang trong vùng điều chỉnh, các chuyên gia quốc tế cho rằng thị trường vẫn chưa trải qua hết "nỗi đau kinh tế".

Adam Hetts - Giám đốc toàn cầu về đa tài sản tại Janus Henderson Investors - bình luận: "Mức thuế quan cao ngất ngưởng áp lên từng quốc gia là chiến thuật đàm phán. Điều đó khiến thị trường luôn trong trạng thái lo lắng".

Ông cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump có khả năng chịu đựng cao trước biến động, nhưng câu hỏi là "họ sẽ chịu đựng được bao lâu trước khi nỗi đau kinh tế thực sự xảy ra?".

Chỉ số S&P 500 đang giao dịch ở mức giá gấp 20,4 lần thu nhập ước tính trong 12 tháng tới. Cùng lúc, Goldman Sachs nâng xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới từ 20% lên 35%. Con số đáng báo động.

Mối lo lớn nhất là liệu "chính sách thương mại bảo hộ" nguy cơ gây suy giảm niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xa hơn, chính sách "thuế chồng thuế" đẩy lạm phát tăng cao và khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thậm chí là đình lạm (kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng yếu).

Michael Medeiros - chiến lược gia vĩ mô tại Wellington Management - cảnh báo các doanh nghiệp không thể xác định rõ áp lực chi phí trong tương lai gặp khó khăn trong quyết định đầu tư và tuyển dụng, từ đó tạo nên vòng luẩn quẩn tiêu cực cho nền kinh tế.

"Đó chính là lúc phản ứng dây chuyền tác động ăn mòn bất ổn bắt đầu được kích hoạt", Michael Medeiros cảnh báo.

Ông gợi ý các tài sản thực như kim loại quý có thể giúp bảo vệ danh mục đầu tư khỏi các hệ lụy tiềm tàng do suy thoái gây ra bởi thuế quan cũng như lạm phát.

Hoang mang chiến lược phòng vệ

Một số nhà đầu tư khác chuyển hướng sang các doanh nghiệp trả cổ tức ổn định, thường là các công ty thuộc lĩnh vực phòng thủ như tiện ích công cộng.

Damian McIntyre - Giám đốc danh mục tại Federated Hermes - cho biết ông đặc biệt đánh giá cao cổ phiếu giá trị cao và cân nhắc các doanh nghiệp có lịch sử chia cổ tức bền vững trong thời kỳ suy thoái.

Chris DeCarolis - Giám đốc danh mục cấp cao tại Wealth Enhancement - cho rằng các công ty tiện ích là ưu tiên hàng đầu. "Người dân vẫn phải trả tiền rác, hóa đơn điện thoại, bất kể nền kinh tế ra sao", ông chia sẻ.

Tác động cấp hai của thuế quan là nhiều mối lo tìm đến nhà đầu tư, nhất là việc nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa Mỹ có thể giảm mạnh.

Giới đầu tư toàn cầu tìm đường tránh 'bão thuế' của ông Trump ảnh 2

Nhà đầu tư toàn cầu hoang mang trước chính sách thuế của ông Trump.

Eric Clark - Giám đốc đầu tư tại Alpha Brands - cảnh báo rằng người tiêu dùng tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác có thể chuyển sang tiêu dùng sản phẩm nội địa hoặc các thương hiệu thay thế, thay vì hàng Mỹ. Trong khi đó, các công ty trong chỉ số S&P 500 tạo ra hơn 40% doanh thu từ thị trường quốc tế.

Olga Bitel - chiến lược gia tại William Blair & Co. - nhận định: "Câu hỏi lúc này là liệu 'sự đặc biệt của Mỹ' có đang bị lung lay? Và nếu có, trung tâm của sự lãnh đạo kinh tế toàn cầu sẽ dịch chuyển về đâu?".

Dẫu vậy, một số nhà đầu tư vẫn giữ cái nhìn lạc quan.

Jason Britton - Giám đốc đầu tư tại Reflection Asset Management - cho rằng: "Thị trường ổn định trở lại khi nhà đầu tư có thời gian phân tích kỹ hơn. Tệ nhất, tất cả điều này chỉ là mớ tin tức hỗn loạn".

Ông lạc quan với các công ty công nghệ lớn có lượng tiền mặt dồi dào. "Nếu họ bị bán tháo trong thời gian này, tôi sẽ là người mua vào khi giá yếu. Đây đơn giản là phản ứng thái quá của thị trường, tôi sẵn sàng tận dụng cơ hội", ông nói.

Các tin khác

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Áp thuế 46%: Tâm điểm sắp tới là đối thoại Việt - Mỹ

Tâm điểm sắp tới sẽ là cách Việt Nam đối thoại với Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác để giảm thiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của mức thuế đối ứng này, đặc biệt đoàn công tác của Chính phủ đến New York vào cuối tuần này.

Thị phần môi giới HOSE quý I/2025: SSI vươn lên cao nhất 6 quý, trong TCBS, HSC và Vietcap sụt giảm

Bức tranh thị phần môi giới chứng khoán trên sàn HOSE quý I/2025 tiếp tục ghi nhận những biến động đáng chú ý, phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty chứng khoán hàng đầu. SSI là đơn vị tăng trưởng thị phần cao nhất, trong khi trạng thái đối lập là Mirea Asset (Việt Nam).