
Halal là thị trường rộng lớn nhưng mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.
Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến Thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sáng 4/4, ông Ramlan Bin Osman – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Halcert (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang khó khăn vì nước này tăng thuế lên hàng hóa Việt Nam, thì thị trường Halal có thể trở thành thị trường mới tiềm năng thay thế cho các thị trường truyền thống.
"Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3.000 tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn", ông nói.
Nếu trước đây, Halal chỉ xuất hiện trong sản phẩm, dịch vụ truyền thống như đồ ăn, đồ uống qua chế biến; thực phẩm hữu cơ hoặc phi hữu cơ, dịch vụ vận chuyển thì hiện nay, Halal xuất hiện trong lĩnh vực mới nổi như mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc, thời trang, dịch vụ du lịch dành cho người Hồi giáo.
Vị chuyên gia nhận định Việt Nam hiện tại có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế Halal, đưa chúng trở thành trụ cột trong cơ cấu GDP, bên cạnh các giá trị đóng góp truyền thống. Bởi lẽ hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao.
Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.
"Khi tôi nhìn vào số liệu của năm 2024 thì rất nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam, ví dụ như gạo, cà phê, hạt điều đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn ngục và để đưa các sản phẩm này tiến vào thị trường Hồi giáo thì theo tôi cách tiếp cận đúng nhất tiếp cận thông qua những tiêu chuẩn Halal", ông Osman nhấn mạnh.

Các sản phẩm muốn xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo phải có chứng nhận Halal.
Tuy nhiên, trong 7 năm làm việc tại Việt Nam, ông Osman cho biết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó khăn để hiểu Halal thực sự là gì.
Tiêu chí quan trọng trong Halal được vị này nhắc đến "Thoyyib" (sự sạch sẽ) trong chuỗi cung ứng "từ nông trại đến bàn ăn". Tức tất cả những quy trình, tất cả nguyên vật liệu đều phải đáp ứng tiêu chí "Thoyyib".
Ông cho biết trên thế giới rất nhiều những quốc gia không phải là các nước Hồi giáo nhưng đã trở thành những nhà cung ứng thực phẩm Halal hàng đầu trên thế giới. Đơn cử Úc hiện là quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất sang các nước Trung Đông. Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch dành cho du khách Hồi giáo. Brazil là nhà cung cấp gia cầm Halal lớn nhất cho các nước Trung Đông.
Nhiều quốc gia hiện nay đã nhận ra tiềm năng của thị trường này. Malaysia sắp công bố kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal 2.0 nhằm hướng đến một Malaysia Halal nổi bật, có tầm ảnh hưởng và toàn cầu hóa hơn. Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế Hồi giáo, tập trung vào Tài chính Hồi giáo và Halal. Nhật Bản tuyên bố rằng Halal đã được xác định là một nguồn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước này. Thái Lan định vị trở thành "Nhà bếp của thế giới".
"Câu hỏi của tôi là bao giờ thì Việt Nam thực sự có một cái hệ sinh thái Halal, hiệu quả thương mại về Halal? Khi nhìn vào số liệu 20 sản phẩm nhập khẩu hàng đầu của 57 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Việt Nam đều là nhà xuất khẩu của những cái sản phẩm này. Tuy nhiên giá trị Việt Nam xuất khẩu vào những cái thị trường này vẫn thâm hụt rất nhiều so với nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia Hồi giáo", ông nói.
Tiềm năng thị trường Halal rất rộng lớn với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Quy quy mô thị trường dự báo sẽ đạt mức tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, và tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%.
Chỉ riêng về thực phẩm, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, cộng đồng Hồi giáo toàn cầu chi tiêu khoảng 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến tăng lên 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ có chứng chỉ Halal chiếm tỷ trọng lớn.