Giáo sư Weng Weiliang, một bậc thầy về y học cổ truyền Trung Quốc, ông từng giữ chức bác sĩ trưởng của Bệnh viện Xiyuan thuộc Học viện Khoa học Y học Trung Quốc.
Hiện nay dù đã 86 tuổi nhưng vị giáo sư này vẫn vô cùng khỏe mạnh. Giáo sư Weng Weiliang đã có 60 năm kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh tim mạch và mạch máu não. Mới đây, giáo sư Weng Weiliang đã có bài chia về tầm quan trọng của việc dưỡng tim ở người trung niên, cao tuổi.
Để bảo vệ và nuôi dưỡng tim thực ra không có gì khó, chỉ cần ghi nhớ 3 "không" cơ bản sau đây.
Giáo sư 86 tuổi tiết lộ bí quyết bảo vệ tim mạch bằng nguyên tắc 3 "không"
1. KHÔNG làm việc quá sức, tránh những tổn thương cho cơ thể do làm việc nhiều
Trong môi trường xã hội phát triển nhanh, nhiều người không nhận ra sự nguy hiểm của làm việc quá sức, và nghĩ đơn giản rằng cứ làm đến khi nào mệt thì thôi.
Trên thực tế, làm việc quá sức sẽ gây ra rất nhiều tổn thương không thể phục hồi cho cơ thể, thậm chí có thể gây ra “cái chết vì làm việc quá sức”. Theo giáo sư Weng Weiliang: Các bệnh về tim mạch và mạch máu não như bệnh van tim, bệnh cơ tim và xuất huyết não là những căn bệnh phổ biến nhất có thể gây ra do làm việc quá nhiều.
Năm 2021, một nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế đồng báo cáo cho thấy so với những người làm việc 35-40 giờ/tuần (số giờ làm việc tiêu chuẩn), những người làm việc ≥55 giờ một tuần có nguy cơ tử vong vì đột quỵ và bệnh tim cao hơn. Nguy cơ mắc bệnh lần lượt tăng 35% và 17%.
2. KHÔNG nên để bị béo phì vì sẽ tạo gánh nặng cho tim
"Không nên để bị béo phì vì sẽtạo quá nhiều gánh nặng cho tim", giáo sư Weng Weiliang đã nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ China News vào năm 2022.
Theo vị giáo sư, ở tuổi 40 ông từng tăng cân rất nhanh, sau đó ông đã cố gắng kiểm soát chế độ ăn uống của mình và đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Cũng theo ông, sau nhiều năm làm việc ông nhận ra rằng có đến 70% bệnh nhân mắc bệnh tim đều bị béo phì.
"Trái tim chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu bạn thừa cân, tim sẽ không chịu nổi gánh nặng và nó sẽ bị lỗi. Khi mắc bệnh tim, cân nặng càng lớn thì tình trạng càng nghiêm trọng", giáo sư Weng Weiliang nói.
Vị chuyên gia khẳng định tình trạng béo phì và chứng huyết ứ có tác động lẫn nhau. Trong chẩn đoán và điều trị lâm sàng, ông thường sử dụng phương pháp thúc đẩy tuần hoàn máu và loại bỏ huyết ứ để điều trị bệnh béo phì. Đồng thời, ông cũng nhiều lần dặn dò bệnh nhân mắc bệnh tim nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý và đều đặn để giảm cân nặng về mức bình thường.
3. KHÔNG được lười biếng, phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim
Giáo sư Weng Weiliang tin rằng mặc dù bệnh tim có tương đối ít triệu chứng nhưng theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim nói chung vẫn sẽ được phản ánh trên cơ thể, như sau:
- Mũi: Xuất hiện vết sọc ở gốc sống mũi.
- Tai: Dái tai có nếp gấp, thậm chí có rãnh vành tai.
- Làn da: Xám, hoặc đỏ.
- Hốc mắt: Đen, sưng, có bọng nặng dưới mắt.
- Lưỡi có vết răng, lưỡi tím sẫm, đầu lưỡi đỏ, xung quanh hơi gai.
Giáo sư Weng Weiliang cho biết, nhiều người cao tuổi có tâm lý lười biếng, không đi khám sức khỏe đúng hạn, có thói quen trì hoãn khi không được khỏe, thực tế điều này rất nguy hiểm. Người cao tuổi cần đặc biệt chú ý đến những thay đổi của cơ thể, nếu xuất hiện các triệu chứng trên chứng tỏ có thể có vấn đề về tim mạch. Nên đến bệnh viện để khám, tìm cách điều trị kịp thời, không nên chậm trễ.