Thời sự

"Giảm thuế cho xăng dầu là vấn đề cấp bách, không nên chờ đến tháng 10"

Mặc dù, sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đã chính thức giảm từ 700 -1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mức giảm này chưa thấm vào đâu so với giá xăng tăng cao như hiện nay và cần tiếp tục làm ngay các biện pháp giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong những ngày gần đây nhiều ngành nghề đã phải chịu tác động to lớn của việc giá xăng tăng như ngành vận tải hay hoạt động đánh bắt cá của ngư dân.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại đã có 40-50% tàu cá "đắp chiếu", ngừng hoạt động do giá dầu tăng quá cao. Đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. 

Đồng thời, tình trạng này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Tương tự, ngành vận tải cũng phải tăng giá cước, giá vé do giá xăng đã tăng gần 50% kể từ đầu năm đến nay. Việc giá vé tăng cao khiến doanh nghiệp vận tải thu hẹp lại quy mô do người dân cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau dịch COVID-19.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp hàng không ước tính lỗ gần 100 tỷ đồng/tháng, do giá xăng, dầu tăng phi mã doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí.

Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành chịu ảnh hưởng do giá xăng, dầu tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị Quốc hội họp bất thường để quyết nghị việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu.

"Nếu để tới tháng 10 mới tính, mới đề xuất giảm thì hệ luỵ tới ngành vận tải sẽ càng trầm trọng", ông Quyền nói. Với mức giá cả như hiện nay, tối thiểu cũng phải giảm 50% thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt mới cứu được ngành vận tải không đứt gãy, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho biết.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không Việt Nam, Chính phủ cần sớm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% cũng như giảm các thuế, phí khác với mặt hàng này.

Đồng thời, Chính phủ cần xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch cho đến khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi dự kiến là đến hết năm 2023, đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam nêu kiến nghị. 

 PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính. (Ảnh: NVCC).

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, hiện tại sức mua bắt đầu giảm, trong khi đầu vào chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc giảm thuế với xăng dầu sẽ giúp chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm đáng kể.

"Chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, vì chỉ giảm thêm thuế bảo vệ môi trường thì không có nhiều tác dụng", TS. Long nói.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, Quốc hội có thể chủ động triệu tập kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề giảm thuế cho xăng dầu giống như kỳ họp bất thường lần thứ nhất hồi tháng 1/2022. 

"Nếu để đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo vào tháng 10 mới quyết định thì sẽ bỏ lỡ thời điểm quan trọng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như làm giảm tác động tiêu cực của lạm phát đối với nền kinh tế. Việc giảm thuế cho xăng dầu rất cấp bách, không nên chờ đến tháng 10", ông Cung nói. 

Tại phiên làm việc sáng 6/7 về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu.

Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngoài việc cắt giảm thuế, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.

Chính phủ cần lưu ý để chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp, cũng tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm